Bắt tay vào xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh từ khá sớm, đến nay, TP.HCM đã trở thành vùng an toàn dịch bệnh cấp tỉnh với nhiều bệnh nguy hiểm.
Theo ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM, Thành phố bắt tay vào xây dựng các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh từ khá sớm. Năm 2006-2008, Thành phố bắt tay xây dựng vùng an toàn dịch bệnh ở cấp xã đối với bệnh dại. Sở dĩ Thành phố chọn bệnh dại vì bệnh này ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người và xã hội.
Nhờ sớm triển khai việc xây dựng các phường, xã an toàn với bệnh dại, TP.HCM đã trở thành đơn vị cấp tỉnh đầu tiên được công nhận là vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh dại. Điều đáng mừng là nhờ xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh dại, nhận thức và trách nhiệm phòng chống bệnh dại của người dân Thành phố đã được nâng cao. Trong nhiều năm liên tục, Thành phố không có ca bệnh tử vong do bệnh dại.
Trong quá trình xây dựng vùng an toàn dịch bệnh với bệnh dại, Thành phố đã liên tục đúc kết, rút kinh nghiệm để triển khai xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác.
Sau bệnh dại, TP.HCM bắt tay vào xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh lao và bệnh sảy thai truyền nhiễm trên bò sữa. Thành phố chọn 2 bệnh này vì là nơi cung cấp con giống bò sữa cho nhiều tỉnh, thành trên cả nước, 2 bệnh này cũng có khả năng lây lan sang người, sản phẩm sữa lại được sử dụng nhiều cho người già và trẻ em.
Đến năm 2011, TP.HCM đã được công nhận là vùng an toàn dịch bệnh cấp tỉnh đầu tiên trên cả nước đối với bệnh lao và bệnh sảy thai truyền nhiễm trên bò sữa. Việc trở thành vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh lao và bệnh sảy thai truyền nhiễm trên bò sữa không chỉ giúp cho đàn bò sữa ở Thành phố phát triển ổn định mà còn là tiền đề quan trọng để xuất khẩu sữa ra nước ngoài.
Bệnh thứ 4 mà TP.HCM chọn để xây dựng vùng an toàn dịch bệnh là bệnh cúm gia cầm. Đến năm 2021, TP.HCM là tỉnh, thành đầu tiên của cả nước xây dựng thành công vùng an toàn dịch bệnh ở cấp tỉnh với cúm gia cầm. Như vậy đến nay, Thành phố là vùng an toàn dịch bệnh cấp tỉnh với 4 bệnh nguy hiểm trong chăn nuôi.
Nhờ có kinh nghiệm xây dựng vùng an toàn dịch bệnh trong nhiều năm qua, TP.HCM đã ứng phó tốt với dịch tả heo châu Phi (ASF). Ông Phát cho biết, đầu năm 2020, Thành phố đã triển khai ngay việc xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh đối với ASF, khởi đầu từ những cơ sở sản xuất heo giống, bởi Thành phố là nơi sản xuất con giống heo và cung cấp cho nhiều tình thành trên cả nước.
Theo đó, ngành thú y Thành phố đã hỗ trợ các cơ sở chăn nuôi heo cải tạo chuồng chăn nuôi từ dạng chuồng hở sang chuồng kín nhằm đảm bảo an toàn sinh học, đồng thời áp dụng các biện pháp khác để kiểm soát ASF. Nhờ đó, Thành phố đã kiểm soát rất tốt ASF ở các trang trại, nhất là trang trại giống.
Với một bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm khác là bệnh lở mồm long móng, TP.HCM cũng đã bắt tay vào xây dựng vùng an toàn dịch bệnh. Đến nay, Thành phố đã xây dựng được 89 cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh đối với bệnh lở mồm long móng. Nhiều khả năng vào cuối năm nay, TP.HCM sẽ làm hồ sơ đề nghị Bộ NN-PTNT công nhận Thành phố là vùng an toàn dịch bệnh với bệnh lở mồm long móng.
Về bài học thành công của TP.HCM trong việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đối với nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong chăn nuôi, ông Phát chia sẻ, hạt nhân chính là các cơ sở chăn nuôi. Chúng ta phải khởi phát từ cơ sở, làm sao để cơ sở chăn nuôi thấy được lợi ích từ việc xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, từ đó mới tạo tiền đề, nhân rộng mô hình và hình thành được vùng an toàn dịch bệnh.