Cơ sở nhân bản vô tính lợn rừng ở Hồ Bắc với chức năng chọn tạo- nhân giống vừa để bảo vệ nguồn gen lợn rừng bản địa vừa tạo thêm nguồn cung thịt mới.
Theo đó, xa hơn cơ sở nghiên cứu giống tại miền trung Trung Quốc này còn tiến đến mục tiêu phá vỡ thế độc quyền về giống lợn của nước ngoài cũng như tham vọng xoay chuyển cục diện ngành công nghiệp thịt lợn của Trung Quốc ngày một trở nên bớt lệ thuộc.
Hôm thứ Hai (4/1) vừa qua, Học viện Khoa học Nông nghiệp Hồ Bắc và Tập đoàn Công nghệ Di truyền Jinbao cho biết sẽ cùng nhau xây dựng cơ sở trình diễn chọn lọc và nhân giống lợn rừng cao cấp đầu tiên của Trung Quốc tại Kinh Môn, tỉnh Hồ Bắc.
Cụ thể, công nghệ nhân bản vô tính lợn rừng sẽ được sử dụng để cứu hộ và bảo vệ các giống lợn rừng địa phương quý hiếm. Song song đó, các hoạt động nghiên cứu nguồn gen và nhân giống sẽ được thực hiện nhằm mở rộng “hệ sinh thái” các giống lợn vượt trội “Made in China”.
Theo tờ nhật báo địa phương, việc chọn tạo và nhân bản vô tính lợn rừng sẽ mang ý nghĩa then chốt của toàn hệ thống bởi sự thiếu hụt công nghệ cốt lõi lâu nay đã kìm hãm ngành chăn nuôi lợn của Trung Quốc.
Ngoài ra, thực trạng chăn nuôi lợn rừng địa phương hiện nay khá tốn kém và mất nhiều thời gian dẫn đến việc nhiều công ty thích mua thẳng nguồn giống ngoại để nhanh chóng có lợi nhuận. Và sự ra đời của cơ sở nhân giống vô tính lợn rừng bản địa kỳ vọng sẽ lấp đầy khoảng trống này.
Thống kê hiện có tới 40% nguồn lợn đực giống ở Trung Quốc là nhập khẩu từ Đan Mạch, Mỹ, Anh và Canada. Ghi nhận số lượng nhập khẩu vào năm 2017 là 10.000 con nhưng sau đó đã tăng mạnh, kể từ khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát.
Tiến sĩ Hua Zaidong, Phó Giám đốc Học viện Khoa học Nông nghiệp Hồ Bắc, giải thích: “Công nghệ nhân bản vô tính lợn rừng có thể tạo ra một số lượng lớn đàn lợn đực giống tốt và đẩy nhanh tiến độ cải thiện di truyền”.
Trung Quốc hiện vẫn là nhà sản xuất và tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, trong phân khúc chăn nuôi, đến nay quốc gia trên 1,3 tỷ người vẫn chưa có bất kỳ nguồn giống nào có sức cạnh tranh tốt.
Đặc biệt là sau khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát vào năm 2018 thì việc vận chuyển lợn và trao đổi nguồn giống càng bị hạn chế, điều này đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng thịt lợn của Trung Quốc. Chính vì vậy, việc độc lập và chủ động khâu nhân giống lợn chất lượng cao là một thách thức mà ngành công nghiệp thịt lợn Trung Quốc đang phải đối mặt.