QUẢNG NINH Tỉnh Quảng Ninh tăng cường thực hiện tiêm vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm và khuyến khích các địa phương triển khai tiêm 2 đợt/năm để đảm bảo an toàn cho vật nuôi.
Để công tác tiêm vắc xin phòng dịch bệnh đàn gia súc, gia cầm đạt kết quả cao, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Ninh đã phối hợp với các địa phương tuyên truyền đến người chăn nuôi.
Theo quy định, để đạt hiệu quả cao nhất, các địa phương nên triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh 2 đợt/năm cho đàn gia súc, gia cầm. Cụ thể, đợt 1 vào tháng 3, 4 và đợt 2 vào tháng 9,10. Đây là thời điểm thích hợp để phòng bệnh cho 2 vụ nuôi chính.
Bên cạnh đó, các địa phương duy trì dự trữ 10% lượng vắc xin dự phòng theo kế hoạch tỉnh giao, để phục vụ cho việc tiêm phòng bao vây dập dịch trong trường hợp có các ổ dịch xảy ra tại địa phương; đảm bảo có nguồn vắc xin cung ứng dịch vụ cho các hộ có nhu cầu, để tiêm phòng bổ sung đối với đàn gia súc, gia cầm mới sinh hoặc nuôi mới.
Vừa qua, xã Đông Ngũ (huyện Tiên Yên) đã triển khai tiêm phòng và vệ sinh chuồng trại tại các hộ chăn nuôi trên địa bàn. Các cán bộ thú y xã tuyên truyền cho người dân về tầm quan trọng của việc tiêm phòng, giúp hộ chăn nuôi tiếp tục phát triển đàn vật nuôi theo hướng bền vững, bảo đảm nguồn thực phẩm tại chỗ và cung cấp cho thị trường.
Ông Hoàng Văn Cường (xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên) chia sẻ: “Gia đình tôi đang chăn nuôi đàn gà Tiên Yên khoảng 4.000 con. Được tuyên truyền về đảm bảo các điều kiện cho chăn nuôi ổn định, gia đình tôi đã thực hiện tiêm phòng đầy đủ, đúng đợt cho đàn vật nuôi. Đồng thời, thường xuyên khử trùng tiêu độc chuồng trại. Vật nuôi của gia đình phát triển tốt, không xuất hiện dịch bệnh, đặc biệt là dịch cúm H5N1 trên đàn gà”.
Để tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm đạt hiệu quả cao, TP Móng Cái đã thực hiện việc tiêm tập trung, theo tiến độ đề ra, đảm bảo an toàn; việc quản lý, cấp phát và sử dụng vacxin đúng quy định, đối tượng.
Từ đầu năm 2022 đến nay, TP Móng Cái đã tiêm trên 208.000 liều vắc xin các loại trên đàn gia súc, gia cầm, đạt 80% tổng đàn. Trong đó có 11.064 liều vacxin lở mồm long móng trên đàn lợn; 6.739 liều tụ huyết trùng trên đàn trâu, bò; trên 159.600 liều vắc xin cúm gia cầm.
Nhằm đảm bảo an toàn cho vật nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ninh đưa ra các bệnh phải tiêm phòng bắt buộc đợt 1 năm 2022 với từng loại gia súc, gia cầm. Cụ thể, với đàn trâu, bò, tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng, viêm da nổi cục; đàn lợn, tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng, bệnh tai xanh; đàn gà, vịt, tiêm phòng bệnh cúm gia cầm; đàn chó mèo, tiêm phòng bệnh dại…
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN-PTNT Quảng Ninh), từ tháng 3 đến tháng 5/2022, các địa phương trong tỉnh đã tiêm được trên 1,6 triệu liều vắc xin cúm gia cầm, đạt 31% kế hoạch năm; vắc xin tai xanh trên 21.500 con, đạt 48% kế hoạch năm; vắc xin lở mồm long móng gia súc được 48.500 con, đạt 29% kế hoạch năm; vắc xin tụ huyết trùng trâu bò được 23.042 con, đạt 47,5% kế hoạch năm.
Tuy nhiên, tỉ lệ tiêm phòng trên đàn gia súc, gia cầm trong tỉnh Quảng Ninh vẫn còn ở mức độ thấp. Nguyên nhân chủ yếu là trên địa bàn vẫn tồn tại nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa chủ động khai báo số gia cầm nuôi bổ sung, tái đàn để đăng ký mua vắc xin và tiêm bổ sung.
Bên cạnh đó, việc rà soát, nắm bắt biến động tổng đàn và tiêm phòng bổ sung cho gia cầm mới sinh hoặc nuôi mới sau các đợt tiêm phòng chính vụ chưa được thực hiện triệt để.
Theo ông Trần Xuân Đông, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, để nâng cao hiệu quả tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm đạt yêu cầu bảo hộ dịch bệnh thì tỉ lệ tiêm phòng phải đạt từ 80% tổng đàn trở lên.
“Thời gian tới, để đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng theo đúng kế hoạch, đạt chất lượng cao, Chi cục yêu cầu các Trung tâm dịch vụ nông nghiệp địa phương tích cực phối hợp với các xã, phường, thị trấn rà soát đối tượng con nuôi; chú trọng công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức cho người chăn nuôi về công tác phòng ngừa dịch bệnh”, ông Đông nhấn mạnh.
Tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các hộ chăn nuôi cần thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp xử lý ổ dịch, bao gồm cách ly ngay động vật mắc bệnh hoặc có dấu hiệu mắc bệnh; không mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, vứt xác động vật mắc bệnh, động vật chết, sản phẩm động vật mang mầm bệnh ra môi trường. Đồng thời, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo phát triển chăn nuôi bền vững.
Nguồn: Báo Nông Nghiệp