Chat hỗ trợ
Chat ngay

   

Long An: Thu ‘vàng trắng’ từ chăn nuôi bò theo hướng ‘xanh’

Chan-nuoi-bo-thit-chat-luong-cao-gop-phan-on-dinh-nguon-cung-thuc-pham-03-.7444
Chia sẻ
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  

Nhiều năm qua, lĩnh vực chăn nuôi bò có bước phát triển tích cực, trở thành một trong những thế mạnh kinh tế trên địa bàn huyện Đức Huệ, tỉnh Long An. Để phát huy lợi thế, huyện đang chủ động thúc đẩy các mô hình phát triển theo hướng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

Chăn nuôi bò đang trở thành thế mạnh phát triển kinh tế tại Đức Huệ.

Thúc đẩy các mô hình điểm

 

Theo UBND huyện Đức Huệ, tính đến thời điểm này, toàn huyện đã xây dựng được 4 mô hình điểm tại 4 xã gồm Mỹ Quý Tây, Mỹ Quý Đông, Mỹ Thạnh Bắc, Bình Hòa Bắc. Đặc biệt, thành lập HTX Tây Hòa tại ấp Hòa Tây, xã Bình Hòa Bắc với 16 thành viên, quy mô chăn nuôi 181 con bò, trong đó có 86 con bò sinh sản.

 

Huyện cũng đã thành lập được 10/10 tổ hợp tác (THT), với tổng số 145 thành viên, tổng số bò 897 con, trong đó có 563 con bò sinh sản.

 

Các mô hình điểm cùng các HTX, THT đang trở thành điểm tựa giúp người dân địa phương nâng cao giá trị chăn nuôi. Theo ghi nhận, với bò bò thịt, bình quân một chuồng nuôi quy mô 10 – 12 con, người nuôi có thể thu về trên dưới 100 triệu đồng/năm.Với bò sữa, nhờ chăm sóc theo quy trình khoa học, năng suất sữa bình quân của bò đạt 15 – 20 kg/ngày. Nhờ chuyển hướng sang nuôi bò sữa, nhiều hộ gia đình tại Đức Huệ đã thoát nghèo, cho thu nhập từ 30 – 60 triệu đồng/tháng.

 

Đặc biệt, tại những mô hình điểm của huyện, các hộ chăn nuôi đều được hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi, hướng dẫn gieo trồng thâm canh các giống cỏ có năng suất và chất lượng cao, hướng dẫn nâng cấp và điều chỉnh kết cấu chuồng trại thích hợp quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học…

 

Tổ trưởng THT Chăn nuôi bò ấp Mỹ Lợi (xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ), ông Lương Văn Nghiệp cho biết, thời gian qua, nuôi bò mang lại hiệu quả tích cực. Hầu hết thành viên trong THT có thu nhập khá. Hiện, THT có 18 thành viên với tổng đàn 125 con bò, trong đó có 80 con bò sinh sản chăn nuôi theo hướng sinh học.

 

Theo ông Nghiệp, chăn nuôi sinh học đòi hỏi các hộ phải cải tạo trang trại theo đúng quy định, vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế, vừa giảm thiểu các loại chất thải để không gây ô nhiễm môi trường.

 

Tại THT Mỹ Lợi, các hộ thành viên “nói không” với các loại chất kích thích tăng trưởng, ưu tiên các loại thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc hữu cơ. Trong quá trình chăn nuôi, các loại chất thải được tập trung đúng nơi quy định, sau đó xử lý vi sinh thành phân chuồng ủ hoai phục vụ trồng trọt.

 

Trong các khu trang trại, nền chuồng luôn được vệ sinh sạch sẽ, các khu chăn nuôi tập trung được trải lớp đệm lót sinh học để giảm thiểu mùi hôi, tránh gây ô nhiễm môi trường đất, không khí, qua đó loại bỏ các loại vi sinh vật, vi khuẩn gây hại cho người và vật nuôi.

 

Các mô hình nuôi bò được chú trọng đầu tư theo hướng hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả, bảo vệ môi trường sinh thái.

 

Cần thêm những “điểm tựa”

 

Việc nuôi bò sữa mang lại thu nhập tương đối khá cho gia đình ông Nguyễn Văn Cứu (ấp Hậu Hòa, xã Đức Hòa Thượng), thành viên THT chăn nuôi bò sữa ấp Hậu Hòa. Với quy mô trang trại 5 – 7 con bò sữa, bình quân ông Cứu thu lợi nhuận 80 – 100 triệu đồng/năm.

 

“Nhờ nuôi bò sữa mà gia đình tôi thoát nghèo, kinh tế ổn định hơn. Đặc biệt, thay đổi lớn nhất khi vào THT là ý thức về bảo vệ môi trường sinh thái. Nếu trước đây việc nuôi bò tự phát, thả rông bò gây ô nhiễm lớn, thì nay việc nuôi nhốt khoa học giúp lượng chất thải được xử lý triệt để”, ông Cứu chia sẻ.

 

Điển hình như trong việc xử lý phân bò, trước đây, lượng phân lớn khiến quá trình xử lý gặp nhiều khó khăn, gây ra mùi hôi rất khó chịu. Nhưng khi vào THT, thành viên được hướng dẫn xử lý vi sinh, phân bò trở thành phân chuồng ủ hoai phục vụ trồng trọt góp phần giảm một phần không nhỏ chi phí cho các hộ.

 

Thực tế, để có được những kết quả trên, những năm qua, huyện Đức Huệ đã đẩy mạnh nhiều chính sách hỗ trợ các mô hình chăn nuôi bò, đặc biệt là nâng cao vai trò của các HTX, THT.

 

Điển hình như HTX Tây Hòa hiện có 16 hộ thành viên đang phát triển chăn nuôi bò ứng dụng công nghệ cao. HTX được hỗ trợ một số chính sách, hướng dẫn xây chuồng trại đúng tiêu chuẩn, xây dựng logo thương hiệu; tập huấn công tác phòng, chống dịch bệnh, xử lý môi trường…

 

Dù đang có những chuyển biến tích cực, số lượng và chất lượng bò tăng qua hàng năm nhưng việc chăn nuôi bò tại Đức Huệ cũng còn không ít khó khăn. Nông dân vẫn theo thói quen cũ, chăn nuôi nhỏ, lẻ, chưa mặn mà tham gia THT, HTX, hình thành chuỗi liên kết…

 

Để phát huy thế mạnh chăn nuôi bò thịt, bò sữa trên địa bàn, thời gian tới, huyện dự kiến thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, trong đó tăng cường tập huấn, thông tin, tuyên truyền sâu, rộng đến người dân ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, nâng cao hiểu biết về chăm sóc, thú y, vệ sinh môi trường chăn nuôi…

 

Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng mô hình liên kết chăn nuôi như THT, HTX, theo hướng trang trại tập trung, an toàn sinh học, phát triển bền vững, hạn chế nuôi nhỏ, lẻ, manh mún.

Nguồn: thoibaokinhdoanh.vn
0906732376