Để khôi phục chăn nuôi, ổn định lại sản xuất, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó con giống được xem là tiền đề quyết định.
Hơn 15 tỷ đồng khôi phục đàn heo giống
Là đơn vị chủ lực trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất và cung ứng giống nông nghiệp trên địa bàn, Trung tâm Giống nông lâm ngư nghiệp Kiên Giang đang nỗ lực khôi phục lại đàn heo giống, tạo tiền đề đã phát triển ngành chăn nuôi của tỉnh.
Ông Nguyễn Trường Đông, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, đơn vị có đàn heo giống cấp ông bà, quy mô 200 con nái cơ bản, mỗi năm sản xuất và cung ứng hàng ngàn còn heo giống cấp bố mẹ, heo giống thương phẩm và tinh dịch heo giống cho các cơ sở và hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, khi bệnh dịch tả heo Châu Phi bùng phát năm 2019 khiến đàn heo giống của tỉnh bị xóa sổ.
Theo thống kê của ngành chuyên môn, liên tục trong 2 năm (năm 2020 – 2021), tổng đàn heo của tỉnh Kiên Giang sụt giảm ở mức dưới 200.000 con, giảm hơn 50% tổng đàn so với thời điểm trước khi bệnh dịch tả heo Châu Phi xảy ra, trong đó đàn heo nái sinh sản cũng bị sụt giảm mạnh.
Vì vậy, rất nhiều hộ dân và các cơ sở chăn nuôi muốn tái đàn, khôi phục lại sản xuất, nhưng không tìm được nguồn cung con giống an toàn, đảm bảo chất lượng. Việc khan hiếm nguồn cung con giống kéo dài đã làm cho giá con giống liên tục biến động tăng cao, gây khó khăn rất nhiều cho việc tái đàn heo theo chủ trương của tỉnh.
Vì vậy, Trung tâm Giống nông lâm ngư nghiệp Kiên Giang lập phương án tái sản xuất đàn heo giống cấp ông bà (giai đoạn 2021 – 2023) nhằm đáp ứng nhu cầu con giống phục vụ công tác tái đàn heo của các nông hộ và cơ sở chăn nuôi, góp phần giải quyết tình trạng khan hiếm con giống hiện nay. Đồng thời, tiếp tục thực hiện công tác cải tiến, nâng cao chất lượng đàn heo giống theo hướng năng suất, chất lượng cao, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi.
Theo ông Nguyễn Trường Đông, tổng kinh phí để khôi phục lại đàn heo giống là hơn 15 tỷ đồng, ngoài đầu tư cơ sở hạng tầng, đơn vị sẽ nhập mới đàn heo sinh sản có quy mô 150 con heo nái cơ bản cấp ông bà.
Hàng năm, cung ứng ra thị trường khoảng 1.500 – 2.500 con heo giống, trong đó heo giống cấp bố mẹ chiếm từ 30 – 40%, tương đương với khoảng 600 – 800 con. Bên cạnh đó, còn cung ứng khoảng 3.500 – 5.000 liều tinh dịch heo/năm cho người chăn nuôi trong vùng, để tổ chức phối giống cho đàn heo sinh sản của địa phương.
Hướng đến chăn nuôi an toàn sinh học
Để phát triển chăn nuôi, Trung tâm Giống nông lâm ngư nghiệp Kiên Giang đã xây dựng mô hình sản xuất heo giống an toàn sinh học, là nơi chuyển giao con giống đảm bảo chất lượng và kỹ thuật cho người chăn nuôi heo trong tỉnh, góp phần khôi phục đàn heo giống của tỉnh.
Tập trung đầu tư sửa chữa, nâng cấp về trang thiết bị, chuồng trại chăn nuôi từ kiểu chuồng hở qua hệ thống chuồng kín, làm trần và lắp đặt mới quạt hút, hệ thống làm mát… để kiểm soát tốt các yếu tố trung gian có thể lây truyền dịch bệnh, đặc biệt là bệnh dịch tả heo châu Phi.
Hiện nay, đàn gia súc, gia cầm của tỉnh Kiên Giang đang dần hồi phục trở lại. Tuy nhiên, một số dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên vật nuôi như: bệnh dịch tả heo châu Phi, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò, cúm gia cầm vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ cao.
Hàng năm, ngành thú y tỉnh triển khai chương trình phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, như tổ chức các hoạt động cấp phát hóa chất Benkocid miễn phí để phòng dịch tả heo Châu Phi và bệnh viêm da nổi cục, lở mồm long móng trên đàn trâu, bò. Tiến hành phun vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường, thực hiện tiêm phòng vacxin gồm cả miễn phí và xã hội hóa, đạt và vượt kế hoạch đã đề ra.
Từ nguồn con giống heo bố mẹ, heo giống thương phẩm và tinh dịch heo giống cung ứng hàng năm cho các nông hộ và cơ sở chăn nuôi, sẽ góp phần tạo tiền đề phát triển ngành chăn nuôi. Từ đó, đàn heo trong tỉnh được cải thiện về năng suất, chất lượng thịt, tăng trọng nhanh, góp phần tăng thu nhập cho người chăn nuôi, giúp người dân cải thiện đời sống và phát triển kinh tế gia đình.
Chủ động phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc
Ngành nông nghiệp Kiên Giang đang tăng cường phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm trên đàn vật nuôi, đẩy mạnh việc tiêm ngừa vắc xin và tiêu độc khử trùng.
Theo Chi cục Chăn nuôi – Thú y Kiên Giang, đối với đàn gia súc, 2 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm hiện nay là dịch tả heo Châu Phi và bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò luôn có nguy cơ rất cao.
Cụ thể, dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò lần đầu tiên xảy ra tại tỉnh Kiên Giang vào tháng 7/2021, đến cuối tháng 10/2021, cả tỉnh đã có 185 con bò mắc bệnh viêm da nổi cục, tại 67 hộ chăn nuôi ở các huyện Giang Thành, Hòn Đất, Kiên Lương và TP. Hà Tiên. Trong đó, tại huyện Kiên Lương đã buộc phải tiêu hủy 1 con bò do mắc bệnh bị chết. Đến nay, dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã được kiểm soát. Tuy nhiên, vẫn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh do khó kiểm soát nguồn lây từ côn trùng.
Bệnh dịch tả heo Châu Phi tái bùng phát tại tỉnh Kiên Giang vào những tháng cuối năm 2021, trên địa bàn 10/15 huyện, thành phố thuộc tỉnh. Chỉ trong khoảng 4 tháng, ngành chức năng đã buộc phải tiêu hủy 2.432 con heo mắc bệnh, với tổng trọng lượng gần 125 tấn. Nguy cơ dịch tả heo châu Phi tiếp tục phát sinh lây lan luôn ở mức cao, do chưa có vắc xin phòng bệnh và điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học tại các nông hộ còn hạn chế.
Phát triển chăn nuôi dựa trên 3 nguyên tắc
Ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang đang tiến hành tái cơ cấu lại lĩnh vực chăn nuôi đảm bảo 3 nguyên tắc an toàn sinh học, cân bằng cung, cầu và an sinh xã hội.
Theo đó, tỉnh Kiên Giang tập trung đầu tư và khuyến khích phát triển chăn nuôi theo trang trại, gia trại thay thế dần quy mô chăn nuôi nông hộ. Chủ động các phương án phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm hiệu quả.
Tập trung chỉ đạo triển khai một số nhóm giải pháp như đẩy mạnh phát triển sản xuất chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm, đảm bảo 3 nguyên tắc là an toàn sinh học, cân bằng cung – cầu và an sinh xã hội. Đẩy mạnh giám sát chặt chẽ việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường tại các cơ sở chăn nuôi, giết mổ.
Triển khai có hiệu quả chuyển dịch cơ cấu đàn theo hướng tăng tỷ trọng các loài vật nuôi có giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ tốt, gắn với triển khai thực hiện “Đề án phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030 tỉnh Kiên Giang”.
Nguồn: Báo Chăn Nuôi