Cả thành phố chưa có nhà máy nào
Việc phát triển số lượng đàn trâu bò ở Hà Nội hiện nay không dễ. Giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao, trong khi đó do tốc độ đô thị hóa nhanh nên diện tích đất sử dụng để trồng cỏ cho trâu bò đang dần bị thu hẹp dẫn tới nguồn thức ăn thô xanh phục vụ chăn nuôi còn hạn chế, thiếu hụt.
Theo tính toán, diện tích trồng cỏ hiện nay của thành phố chưa được 500 m2/con bò, trong khi đó các nước phát triển như Úc 1,8 ha/con bò; Mỹ, Canada 1 ha/con bò và Thái Lan 1ha/6 con bò. Thêm vào đó, Hà Nội chưa có nhà máy chế biến thức ăn cho giá súc lớn (TMR, TMF …) phục vụ cho chăn nuôi đại gia súc.
Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, thành phố đang tái cấu trúc ngành chăn nuôi trong đó có kế hoạch riêng cho phát triển chăn nuôi bò sữa và bò thịt. Muốn thế, việc đầu tiên phải lo là trồng cỏ, cần chuyển phần lớn diện tích ở những nơi phù hợp và một phần diện tích đất nông nghiệp hiệu quả thấp sang thâm canh trồng cỏ và cây thức ăn chăn nuôi. Xây dựng, hình thành các vùng chăn nuôi tập trung với phương thức chăn nuôi công nghiệp hiện đại, chuyên môn hóa cao. Điều quan trọng thứ hai là kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn cho trâu, bò:
“Các doanh nghiệp người ta cũng phải căn cứ vào mức vốn, diện tích, số lượng đầu con gia súc…để mà tính toàn đầu tư. Thuận lợi cho doanh nghiệp là Hà Nội hiện chưa có cơ sở nào sản xuất thức ăn chăn nuôi cho trâu bò, còn thức ăn viên, đậm đặc có đến mấy chục cơ sở, đáp ứng thừa cho nhu cầu của Thủ đô và còn xuất đi các tỉnh. Thứ hai là huy động được các tỉnh, thành xung quanh cùng nhập cuộc để cung ứng nguyên liệu như Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình…,có thể tận dụng các vùng bãi sông trồng thân cây ngô, cỏ họ đậu.
Thứ ba là chăn nuôi bò sữa, bò thịt đang có nhiều lợi thế vì đàn bò thịt mới đáp ứng trên 20% nhu cầu người tiêu dùng Thủ đô, phải nhập từ các tỉnh, thậm chí nhập cả bò từ Úc hay một số nước về; còn bò sữa mới đáp ứng được trên 30% nhu cầu, vẫn phải nhập. Cuối cùng là đàn bò của Hà Nội có chất lượng tương đối nhờ mấy năm vừa rồi thành phố có chính sách hỗ trợ giống nên có nhiều giống mới như Brahman, Droghmaster, Wagyu…Mà giống chất lượng cao đòi hỏi phải có thức ăn chăn nuôi chất lượng cao mới đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng để phát triển, đảm bảo chất lượng thịt”, ông Sơn chia sẻ.
Lối đi riêng cho con bò sữa
Hiện nay, đàn bò sữa trên địa bàn thành phố đạt 15.504 con, năng suất sữa đạt 5 tấn/con/chu kỳ, tổng sản lượng sữa đạt 38,7 nghìn tấn/năm. Về cơ cấu giống, chủ yếu là đàn bò sữa (HF) có tỷ lệ máu lai 7/8 trở lên chiếm trên 90%. Chăn nuôi bò sữa ổn định ở 2 vùng trọng điểm là Ba Vì và Gia Lâm với tổng đàn 12.213 con (chiếm 79% đàn bò sữa toàn thành phố). Đàn bò được lai tạo giống bằng tinh của các giống bò sữa cao sản, tinh phân ly giới tính. Kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng, hệ thống chuồng trại, xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh được các hộ chăn nuôi quan tâm và đầu tư.
Công tác lai tạo giống bằng tinh phân ly giới tính được tăng mạnh, đến tháng 12/2021 đã có khoảng 5.400 con bò, bê sữa sinh ra từ tinh phân ly giới tính (tỷ lệ bê cái đạt 90%). Bê sữa sinh ra từ tinh phân ly giới tính có khối lượng sơ sinh từ 30 – 45 kg, khỏe mạnh, sinh trưởng, phát triển tốt, ít bệnh tật, có ngoại hình đẹp, mang đặc trưng giống bò sữa. Bò cái sữa sinh ra từ tinh phân ly giới tính đã cho khai thác sữa, sản lượng sữa lứa 1 trung bình đạt 5.400 kg/con/chu kỳ, cao hơn 600 kg/con/chu kỳ so với bò sữa sinh ra từ tinh không phân ly giới tính (4.800 kg/con/chu kỳ). Một số con có sản lượng sữa đạt 6.500 kg/con/chu kỳ và đang khai thác sữa ở lứa thứ 2.
Tuy nhiên, đầu tư cho chăn nuôi bò sữa có thời gian thu hồi vốn dài, nhiều rủi ro về thiên tai, thời tiết, trong khi đó chính sách về tập trung, tích tụ ruộng đất còn là nút thắt chưa được tháo gỡ nên nhà đầu tư còn ngần ngại. Phát triển chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, việc xây dựng thương hiệu sản phẩm sữa bò còn hạn chế chưa tương xứng với xu thế hội nhập quốc tế. Năng suất sữa trong nước thấp, trung bình chỉ đạt 5 tấn/chu kỳ và bằng 2/3 so với các nước đang phát triển (Đài Loan 7 tấn/chu kỳ).
Những hộ chăn nuôi bò sữa nhỏ lẻ, hạn chế đầu tư và kỹ thuật chăn nuôi nên môi trường trong chăn nuôi vẫn bị ô nhiễm, xử lý chất thải, dịch bệnh gặp nhiều khó khăn; thiếu điều kiện vệ sinh nên ảnh hưởng đến chất lượng sữa. Giá cả thị trường không ổn định việc đầu tư phát triển chăn nuôi bò sữa của các tổ chức cá nhân cũng hạn chế. Chăn nuôi bò sữa đòi hỏi kinh nghiệm lớn, diện tích đất trồng cỏ lớn…
Từ thực tế ấy, định hướng phát triển chăn nuôi bò sữa trong thời gian tới của Hà Nội là tiếp tục thực hiện phát triển chăn nuôi tập trung theo xã, vùng trọng điểm, xa khu dân cư, trong đó, tập trung ở một số huyện có nhiều tiềm năng, lợi thế (Ba Vì, Phúc Thọ…). Riêng huyện Gia Lâm có lộ trình giảm dần chăn nuôi bò sữa do đã có định hướng lên quận, không phát triển chăn nuôi nói chung và bò sữa nói riêng. Duy trì ổn định đàn bò sữa tại các xã chăn nuôi trọng điểm với tổng đàn khoảng 15 ngàn con, chủ yếu nâng cao về chất lượng, sản lượng sữa đạt gần 39 nghìn tấn/năm. Áp dụng công nghệ cao trong chăn nuôi bò sữa đặc biệt công tác cấy truyền phôi, lai tạo giống bằng tinh bò sữa cao sản nhập ngoại, tinh phân ly giới tính nhằm tăng nhanh tiến bộ di truyền, năng suất và chất lượng sữa.
Phấn đấu tất cả các cơ sở sơ chế, chế biến sữa đảm bảo đúng quy định về an toàn thực phẩm, có áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến (HACCP, ISO…) 100% sản phẩm sữa được chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP; 70% cơ sở chăn nuôi bò sữa ngoài khu dân cư đạt tiêu chuẩn chăn nuôi an toàn, ứng dụng công nghệ cao. Phát triển các hộ chăn nuôi xa khu dân cư có quy mô bình quân 10 con/hộ, chăn nuôi theo hướng VietGAP, hữu cơ, sinh học.
Về khoa học công nghệ, thực hiện công tác quản lý giống bằng phần mềm 4.0. Tăng cường tuyển chọn, giữ lại các con giống có năng suất từ 18 kg sữa tươi/ngày trở lên. Tiếp tục cải tiến năng suất, chất lượng đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo với tinh phân ly giới tính, tinh bò sữa cao sản nhập ngoại, ổn định cơ cấu giống 90% HFF3 trở lên. Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học – công nghệ vào chăn nuôi, đặc biệt là công nghệ cấy truyền phôi. Khuyến khích chăn nuôi bò sữa áp dụng công nghệ cao: Hệ thống phối trộn thức ăn TMR, sử dụng giàn máy vắt sữa, hệ thống phun tưới cỏ tự động.
Dành quỹ đất trồng cỏ, chủ động tạo ra nguồn thức ăn thô xanh cho đàn bò đủ về số lượng và chất lượng, trồng các giống cỏ mới năng suất, chất lượng cao. Áp dụng công nghệ chế biến, bảo quản thức ăn thô xanh để nâng cao giá trị dinh dưỡng, khả năng tiêu hóa và hấp thu. Tăng cường công tác quản lý dịch bệnh, xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh. Đẩy mạnh chương trình khuyến nông chăn nuôi theo chuỗi khép kín, kinh tế tuần hoàn, bảo đảm người chăn nuôi bò sữa có thể làm chủ được kỹ thuật để sản xuất sản phẩm chăn nuôi an toàn và hiệu quả.
Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất giữa hộ chăn nuôi, gia trại, trang trại, HTX với các doanh nghiệp trong chế biến và tiêu thụ sữa bò. Phát triển thương hiệu, thị trường tiêu thụ sữa và các sản phẩm chăn nuôi của Hà Nội. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài thành phố đầu tư vào chăn nuôi, chế biến và tiêu thụ sữa bò. Xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất giống, sử dụng tinh bò sữa cao sản nhập ngoại, tinh phân ly giới tính vào sản xuất. Tạo điều kiện cho các hộ vay vốn với lãi suất thấp từ nguồn quỹ khuyến nông…
Thành phố cần hình thành các nhóm, hợp tác xã trong liên kết sản xuất để trao đổi về công tác quản lý, kinh nghiệm trong chăn nuôi đồng thời có đủ cơ sở pháp lý để ký hợp đồng vay vốn. Rà soát, đề xuất bổ sung chính sách đặc thù đối với phát triển chăn nuôi bò sữa, nhằm thúc đẩy phát triển ổn định, bền vững.
Nguồn: Nông Nghiệp Việt Nam
- Thiết bị trang trại Nuôi bò.vn
- Điện thoại: 090.673.2376
- Gmail: nuoibo.vn@gmail.com
- Địa chỉ văn phòng: số 23, đường Tân Xuân 6, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, TP.HCM