Chat hỗ trợ
Chat ngay

   

Chăn nuôi bò thịt theo chuỗi để hội nhập bền vững

1-143612_528
Chia sẻ
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  

Việc xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bò thịt an toàn là chìa khóa giúp người chăn nuôi gia tăng lợi nhuận, phát triển bền vững.

Đoàn đại biểu Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp tham quan mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi bò thịt gắn với liên kết tiêu thụ của hộ anh Vũ Kim Tuyền, thôn 6, xã Thuần Mỹ, Ba Vì, Hà Nội. Ảnh: Trung Quân.

Đoàn đại biểu Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp tham quan mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi bò thịt gắn với liên kết tiêu thụ của hộ anh Vũ Kim Tuyền, thôn 6, xã Thuần Mỹ, Ba Vì, Hà Nội. Ảnh: Trung Quân.

Chăn nuôi theo chuỗi là xu thế phát triển tất yếu

Sáng 28/6, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp cùng Sở NN-PTNT Hà Nội tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chủ đề “Giải pháp phát triển chăn nuôi bò thịt theo chuỗi giá trị sản phẩm”.

Bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: Diễn đàn là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, người chăn nuôi đánh giá thực trạng, nêu lên những khó khăn, vướng mắc, chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra các giải pháp phát triển chăn nuôi bò thịt theo chuỗi giá trị sản phẩm. Từ đó, giúp người chăn nuôi củng cố kiến thức, kỹ năng trong việc tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, gia tăng thu nhập, khả năng cạnh tranh, bảo vệ môi trường sinh thái.

Theo bà Hạnh, Việt Nam là quốc gia có thế mạnh về phát triển chăn nuôi. Tốc độ tăng trưởng lĩnh vực chăn nuôi duy trì bình quân ở mức 5-6%/năm, đáp ứng nhu cầu thực phẩm trong nước và xuất khẩu. Đàn bò cả nước tính đến hết quý I/2022 ước tăng 1,1%, sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 128.000 tấn (tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2021).

Sản phẩm thịt bò của Việt Nam có rất nhiều cơ hội, lợi thế để phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới như: Thị trường tiêu thụ lớn do dân số đông cùng với mức thu nhập ngày càng tăng trong khi lượng cung trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu, hiện tại sản phẩm thịt bò phải nhập khẩu từ nước ngoài lên đến 60%.

Hiện nhiều doanh nghiệp lớn kinh doanh theo chuỗi: Nhập khẩu nuôi vỗ béo – giết mổ – chế biến – phân phối. Trong tương lai, đây có thể coi là các đầu tàu thúc đẩy phát triển chăn nuôi bò thịt theo chuỗi. Bên cạnh đó, nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ từ Chính phủ và các nước đối tác như Úc… trong chiến lược phát triển sản xuất và mở rộng thị trường thịt bò.

Ngoài ra, Việt Nam đặt mục tiêu đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ, đặc biệt là bò thịt để đến năm 2030 đạt trên 10% thịt bò trong tổng sản lượng thịt các loại (hiện tại là 7,4%)…

Tuy nhiên, theo bà Hạnh, bên cạnh những thuận lợi, việc phát triển chăn nuôi bò thịt theo chuỗi giá trị sản phẩm ở Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức:

Thị trường nhập khẩu rộng mở, nguy cơ cạnh tranh với hàng nhập khẩu có chi phí sản xuất thấp hơn. Bên cạnh đó, Việt Nam đã cho phép nhập khẩu bò sống từ Úc, Brazil, Thái Lan về giết mổ trong nước.

Đồng thời, ký Hiệp định Thương mại tự do với các nước EU, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương – CPTPP (Úc, Canada, Mexico, New Zealand) nên mức thuế suất nhập khẩu mặt hàng này sẽ giảm về 0%.

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng: Việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi an toàn là yêu cầu bắt buộc và được xem là chìa khóa giúp người chăn nuôi gia tăng lợi nhuận, phát triển bền vững.

Trên cơ sở đó, tại diễn đàn các đại biểu đã thảo luận sôi nổi những vấn đề liên quan tới kỹ thuật chăm sóc; tự sản xuất, phối trộn thức ăn để giảm chi phí đầu vào; chính sách, giải pháp phát triển chăn nuôi bò thịt theo chuỗi giá trị sản phẩm nhằm nâng cao giá trị sản xuất, hiệu quả kinh tế, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, tăng khả năng cạnh tranh, bảo vệ môi trường sinh thái.

Theo bà Hạ Thúy Hạnh, việc xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu dùng sản phẩm chăn nuôi an toàn là yêu cầu bắt buộc và được xem là chìa khóa giúp người chăn nuôi gia tăng lợi nhuận, phát triển bền vững. Ảnh: Trung Quân.

Theo bà Hạ Thúy Hạnh, việc xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu dùng sản phẩm chăn nuôi an toàn là yêu cầu bắt buộc và được xem là chìa khóa giúp người chăn nuôi gia tăng lợi nhuận, phát triển bền vững. Ảnh: Trung Quân.

Liên kết là nền tảng tăng sức cạnh tranh cho chăn nuôi trong nước

Trong khuôn khổ Diễn đàn, các đại biểu đã tới tham quan mô hình chăn nuôi bò thịt gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm của anh Vỹ Kim Tuyền, thôn 6, xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì (Hà Nội).

Anh Tuyền chia sẻ: Từ năm 2014, gia đình bắt đầu liên kết với Công ty Cổ phần Giống gia súc Hà Nội phát triển chăn nuôi bò 3B lấy thịt. Từ 5 con ban đầu, đến hiện tại tổng đàn bò 3B của gia đình anh đã tăng lên 170 con.

Theo anh Tuyền, lợi ích lớn nhất khi phát triển nuôi bò thịt theo chuỗi liên kết giá trị sản phẩm là người chăn nuôi an tâm, tự tin, lợi nhuận thu được cao hơn so với cách nuôi tự phát. Bởi lẽ, khi tham gia liên kết, anh được công ty cung cấp con giống chất lượng, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Nhờ đó, đàn bò sinh trưởng và phát triển tốt, sức đề kháng cao, trọng lượng và chất lượng thịt đều được nâng cao hơn so với cách nuôi truyền thống.

Bên cạnh đó, công ty còn hướng dẫn kỹ thuật phối trộn, ủ thức ăn giàu dinh dưỡng; sử dụng chế phẩm sinh học xử lý phân, nước thải làm phân bón trồng cỏ, ngô… Những cây trồng này, khi thu hoạch lại được sử dụng làm thức ăn cho bò. Với cách làm này, vừa giúp giảm mùi hôi, thối, bảo vệ môi trường vừa tiết kiệm được nhiều chi phí đầu vào, nhất là trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi đang tăng cao như hiện nay.

Ngoài ra, khi tham gia liên kết gia đình anh được doanh nghiệp bao tiêu, kết nối với các cơ sở thu mua, giết mổ, tiêu thụ bò đến tuổi xuất bán… Do đó, đầu ra luôn được giữ ổn định, giá bán ở mức cao 90.000-95.000 đồng/kg (cao hơn so với giá thị trường 85.000-86.000 đồng/kg), sau khi trừ đi các chi phí anh thu về 8-12 triệu đồng/con.

Bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đánh giá: Khi phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị, người dân sẽ biết cách chủ động được nguồn con giống chất lượng, nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng, được trang bị kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, sử dụng vacxin theo đúng chuẩn.

Bên cạnh đó, việc có đầu ra, giá bán ổn định ở mức cao là điều kiện để người chăn nuôi phát triển mạnh mẽ, nâng cao thu nhập, từng bước cải thiện cuộc sống, tiến tới làm giàu bằng chính ngành nghề của mình.

Trên cơ sở đó, bà Hạnh chia sẻ: Trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi.

Đến năm 2030, sản xuất chăn nuôi nước ta thuộc nhóm các quốc gia tiên tiến trong khu vực. Sản phẩm chăn nuôi hàng hóa được sản xuất chủ yếu trong các trang trại, hộ chăn nuôi chuyên nghiệp bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường, đối xử nhân đạo với vật nuôi, đáp ứng yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và tăng cường xuất khẩu.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thời gian tới sẽ tiếp tục xây dựng các mô hình và tập huấn về chăn nuôi VietGAHP, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, theo hướng hữu cơ, liên kết theo chuỗi. Ảnh: Trung Quân.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thời gian tới sẽ tiếp tục xây dựng các mô hình và tập huấn về chăn nuôi VietGAHP, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, theo hướng hữu cơ, liên kết theo chuỗi. Ảnh: Trung Quân.

Tiếp tục xây dựng các mô hình, đào tạo, tập huấn, thông tin tuyên truyền về chăn nuôi VietGAHP, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, theo hướng hữu cơ, liên kết theo chuỗi, kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc từ nguyên liệu đầu (giống, thức ăn, vật tư chăn nuôi, quy trình chăm sóc nuôi dưỡng) đến khâu vận chuyển, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Ưu tiên xây dựng các mô hình chăn nuôi trang trại, đồng bộ, khép kín từ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về con giống, thức ăn, quy trình chăm sóc, giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, xử lý môi trường.

Xây dựng các mô hình nông nghiệp tuần hoàn, sinh thái, gắn trồng trọt với chăn nuôi, sử dụng sản phẩm trồng trọt làm thức ăn chăn nuôi và sử dụng hiệu quả chất thải chăn nuôi làm phân hữu cơ, bón cho cây trồng.

Quan tâm, phát triển các mô hình chăn nuôi phù hợp điều kiện vùng biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, tạo sinh kế cho đồng bào khó khăn, góp phần ổn định đời sống xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng.

Nguồn: Báo Nông Nghiệp
0906732376