Chat hỗ trợ
Chat ngay

   

Trâu, bò mất giá, người chăn nuôi ở Yên Bái lo âu

11
Chia sẻ
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  

Nhiều tháng qua, người nuôi trâu, bò trên địa bàn tỉnh Yên Bái gặp nhiều khó khăn khi giá trâu, bò hạ thấp từng ngày và rất khó tiêu thụ, buộc họ phải xoay xở đủ cách để duy trì đàn gia súc.

Bỏ ra 700 triệu đồng mua gần 2 chục con trâu, bò và đầu tư hệ thống chuồng, trại khá hoàn chỉnh, thế nhưng hơn một năm nay, gia đình anh Trần Trọng Tiến ở thôn Trúc Đình, xã Việt Thành, huyện Trấn Yên đang phải nuôi cầm chừng đàn gia súc này.

Theo anh Tiến, đáng lý ra, số trâu bò này đã được bán, vì đã đủ trọng lượng và thời gian nuôi, nhưng hiện giá trâu bò thương phẩm xuống thấp, bị ép giá, khiến gia đình chưa thể bán mà cố gắng nuôi với hy vọng giá cả thời gian tới có thể nhích lên.

Trâu, bò mất giá, người chăn nuôi ở Yên Bái lo âu - Ảnh 1.

Người chăn nuôi trâu bò đang phải chăn nuôi cầm chừng.

Dù nuôi cầm chừng bằng cỏ của nhà trồng được, nhưng trung bình một tháng gia đình anh Tiến cũng phải bỏ ra cả chục triệu đồng tiền cám để hỗ trợ dinh dưỡng. Giờ bán thì lỗ, còn để lại, gia đình cũng chưa biết làm cách nào để nuôi lâu dài khi thông tin thị trường chưa có tín hiệu khả quan.

“Chúng tôi cho ăn cầm chừng, nghe ngóng để xem giá cả có lên được ít nào không. Bây giờ chưa xác định được có gỡ lại được không, chỉ biết theo thị trường chứ không biết làm thế nào cả”, anh Tiến than thở.

Từ năm ngoái, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thị trường trâu bò thương phẩm đã có dấu hiệu chững. Bước sang năm 2022, giá trâu liên tục giảm mạnh hơn.

Là một HTX chuyên nuôi trâu vỗ béo, nhưng thời gian này số trâu bò của HTX Thiên An, ở xã Xuân Lai, huyện Yên Bình hiện chỉ có vài con, thay vì hàng trăm con như trước đây. Lí do là HTX không dám nhập về để vỗ béo, trong bối cảnh thị trường tiêu thụ rất chậm. Đặc biệt là từ Trung Quốc, nơi nhập rất nhiều, nay đã dừng hoàn toàn.

Hiện các hộ thành viên của HTX đang phải nuôi cầm chừng số trâu bò hiện có. Anh Hoàng Văn Bình, thành viên HTX cho biết, HTX và các hộ thành viên đang phải chuyển dần hướng chăn nuôi để giảm thiểu rủi ro.

“Trâu bò bây giờ ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 thị trường bên Trung Quốc xuất không đi được, nguồn thức ăn hiện có nhiều, có sẵn nên chúng tôi mở rộng thêm những ngành nghề như: nuôi cá, nuôi lợn…”, anh Bình cho hay.

Trâu, bò mất giá, người chăn nuôi ở Yên Bái lo âu - Ảnh 2.

Giá trâu từ 85.000 đến 90.000 nay giảm xuống 60.000 đến 70.000 đồng.

Thời gian trước, trâu có giá khoảng 85.000-90.000 đồng/kg hơi, bán 1 con thu về khoảng 40-50 triệu đồng, thậm chí có nơi còn mua trâu với giá cao từ 90 đến 120 triệu đồng/con. Đối với bò, giá cũng trên 100.000 đồng/1kg, nên người nuôi trâu bò có thu nhập khá ổn định. Tuy nhiên, gần năm nay, giá trâu liên tục giảm, đến giờ chỉ còn khoảng 70.000 đồng/kg hơi, thậm chí có nơi giá trâu chỉ còn 60.000 đồng/kg hơi, còn thịt bò cũng ở mức 80.000 đồng/kg, khiến cho người chăn nuôi gặp khó.

Không chỉ mất giá, hiện nay thịt trâu, bò còn không có đầu ra vì nhu cầu tiêu thụ trong nước rất chậm. Nửa năm qua, người nuôi trâu gần như không thể xuất đàn vì không có người mua.

Hiện đàn đại gia súc của tỉnh Yên Bái tương đối lớn, trong đó đàn trâu trên 91.000 con; đàn bò trên 35.000 con. Với mức tiêu thụ trong nước rất ít, trong khi đó, thương lái thu mua chuyển sang Trung Quốc dừng hẳn do cấm biên thì người chăn nuôi ở Yên Bái được dự đoán sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian tới.

“Hai năm trước, HTX của chúng tôi có thể mỗi ngày xuất từ 20 đến 30 con; trong trại nuôi tập trung luôn có trên dưới 100 con, các hộ nuôi cá thể riêng lẻ là trên 10 con. Đến hiện tại thì giảm sút hơn nhiều, chăn nuôi đang khó khăn, vướng mắc”, anh Hoàng Văn Liêm, Giám đốc HTX dịch vụ tổng hợp Thiên an, xã Xuân Lai, huyện Yên Bình cho biết.

Với việc giá trâu bò thương phẩm đang xuống giá và khó đầu ra như hiện nay, người chăn nuôi ở miền núi Yên Bái có lẽ cần cân nhắc dần những biện pháp điều chỉnh để tránh gây những rủi ro khi đầu tư./.

Nguồn: CAFEF Trang Thông Tin Điện Tử Tổng Hợp

0906732376