Trại heo lạnh lớn nhất Chơn Thành của một phụ nữ giàu lòng nhân ái

Img_181197-1134_20220510_184-142937
Chia sẻ
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  

Từ tay trắng, nhờ chí thú làm ăn, chị Bùi Thị Dinh ở ấp 3, xã Minh Lập, huyện Chơn Thành, Bình Phước sở hữu trại heo lạnh hiện đại và trang trại 55ha.

Bên trong trang trại heo lạnh của chị Bùi Thị Dinh ở Chơn Thành, Bình Phước. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Bên trong trang trại heo lạnh của chị Bùi Thị Dinh ở Chơn Thành, Bình Phước. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Kiến tha lâu đầy tổ

Chị Liên, phụ trách Phòng Nông nghiệp huyện Chơn Thành cho biết, những năm nay gần đây, địa phương có chính sách hỗ trợ các mô hình nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững nên kinh tế của nhân dân ngày một khởi sắc hơn, nhiều mô hình nổi bật, nhiều cá nhân làm kinh tế rất giỏi. Điển hình có chị Bùi Thị Dinh, ở Minh Lập, không chỉ làm ăn giỏi mà còn có nhiều đóng góp cho kinh tế, xã hội của huyện.

Ở xã Minh Lập, nhiều người biết chị Dinh, bởi chị không chỉ làm ăn giỏi, mà còn là người thường xuyên làm thiện nguyện, giúp đỡ những gia đình nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Vì thế, tìm cơ ngơi của gia đình chị khá dễ.

Nở nụ cười rất tươi chào khách, chị Dinh nói: “Vì đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn heo nên chỉ có thể tham quan, chụp hình bên ngoài thôi chứ không vào bên trong trại được, mong anh thông cảm”.

Chị Dinh quê gốc ở Hà Nam. Năm 1984, khi mới 7 tuổi, chị cùng gia đình gần chục thành viên rời quê hương vào vùng đất Bình Phước lập nghiệp. Khi đó, gia tài mọi người mang theo không có gì ngoài ít đồ dùng cá nhân.

Năm 1996, chị lập gia đình và ra riêng, được bố mẹ cho 3ha cao su thanh lý làm của hồi môn. Chị chặt bán và trồng mới rồi xen cây ngắn ngày như khoai mì, dưa hấu để giải quyết khó khăn trước mắt. Sau đó, chị vay mượn ít vốn từ người thân rồi lập điểm thu mua mủ cao su. Tích cóp được ít vốn nào chị lại dồn vào mua đất, lúc 5ha, lúc 7ha…

“May mắn là hồi đó đất ở đây rộng, ít người làm, lại khá rẻ, nên tôi mới mua được kha khá. Như những con kiến, tha lâu rồi cũng có ngày đầy tổ. Đến nay, gia đình tôi đang sở hữu 55ha đất.” Chị Dinh nhớ lại.

Ngoài mấy chục ha cao su, cây trồng các loại, chị Dinh còn sở hữu một trang trại heo lạnh tư nhân thuộc loại lớn ở Bình Phước. Trang trại có tổng diện tích 3ha, đầu tư khép kín, hiện đại, đạt tiêu chuẩn công nghệ cao.

“Có được như hôm nay, không phải đơn giản đâu. Ban đầu tôi cũng thất bại liên tục vì chưa có kinh nghiệm, cả chăn nuôi lẫn trồng trọt. Sau khi thất bại, tôi suy nghĩ và nhận ra, mình chưa tích luỹ đủ kiến thức, chưa có kinh nghiệm gì, thất bại là điều dễ hiểu. Sau đó, tôi dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu, tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật do tỉnh, huyện, tổ chức, tìm đến các mô hình lâu năm, thành công ở Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai học hỏi kinh nghiệm. Rồi vừa làm vừa học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm dần”, chị kể.

Trại heo của gia đình chị Dinh là một trong những trai trại tư nhân hiện đại, quy mô lớn nhất ở huyện Chơn Thành, Bình Phước. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Trại heo của gia đình chị Dinh là một trong những trai trại tư nhân hiện đại, quy mô lớn nhất ở huyện Chơn Thành, Bình Phước. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Hiện bình quân mỗi năm chị Dinh thu gần 5 tỷ đồng từ cao su, cây ăn trái, trại heo… sau khi trừ hết chi phí. Hiện cị Dinh đang tạo công ăn việc làm cho 40 lao động ở địa phương với mức lương trung bình 8 triệu đồng/người/tháng. Chị hiện được vinh danh là hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương.

Sau khi kinh tế gia đình ổn định, có 'của ăn của để', chị Dinh bắt đầu nghĩ đến việc hỗ trợ nhiều người. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Sau khi kinh tế gia đình ổn định, có “của ăn của để”, chị Dinh bắt đầu nghĩ đến việc hỗ trợ nhiều người. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Mong nhiều người cùng khá

Ngay khi nắm được cơ bản kỹ thuật canh tác, chăn nuôi, kinh tế ngày một khá lên, chị Dinh đã dành thời gian giúp đỡ nhiều người. Ngoài tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động địa phương, tất cả những kinh nghiệm tích luỹ được, hay những tiến bộ khoa học kỹ thuật học hỏi được, chị đều phổ biến cho bà con mới bắt đầu làm, đặc biệt là bà con đồng bào thiểu số.

Chị cũng là người tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể ở địa phương, thường xuyên chia sẻ giúp đỡ hội viên trong những lúc khó khăn và chia sẻ kinh nghiệm, tạo điều kiện để hội viên phát triển kinh tế gia đình.

Gia đình chị Thị Cúc, 38 tuổi, dân tộc S’tiêng và gia đình ông Huỳnh Văn Long cùng ở ấp 5, xã Minh Lập, là 2 hộ khó khăn của xã vừa được chị Dinh hỗ trợ xây nhà tình thương là 2 trong số nhiều hộ dân trong vùng được chị Dinh giúp đỡ, chia sẻ: “Nhà tôi nghèo lắm, tôi có 8 đứa con, ở trong căn chòi nhỏ, nắng thì nóng, còn mưa thì dột, nhờ có chị Dinh giúp đỡ, xây cho tôi căn nhà tình thương, giờ không lo nắng mưa nữa. Có chỗ ở ổn định rồi, tôi sẽ cố gắng tập trung làm ăn để thoát nghèo, không phụ lòng tốt của chị Dinh và mọi người”.

Nói về những đóng góp của chị Dinh, ông Trần Văn Lập, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã Minh Lập cho biết, không thể thống kê hết những đóng góp của chị Dinh đối với đạ phương. Mấy năm nay, chị Dinh giúp 10 hộ khó khăn vay vốn làm ăn không lấy lãi, tổng số tiền cho vay 500 triệu đồng.

Dù rất bận rộn, chị Dinh vẫn cố gắng dành thời gian thư giãn. Theo chị, đó là 'liều thuốc' tinh thần hiệu quả để sống khoẻ và làm việc hiệu quả hơn. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Dù rất bận rộn, chị Dinh vẫn cố gắng dành thời gian thư giãn. Theo chị, đó là “liều thuốc” tinh thần hiệu quả để sống khoẻ và làm việc hiệu quả hơn. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Từ năm 2017 đến năm 2021, vào dịp Tết nguyên đán, chị đều dành 350 phần quà cho các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn trên địa bàn xã, trị giá hơn 130 triệu đồng. Mặt khác, hàng chục năm qua, chị Dinh còn tham gia ủng hộ cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào miền Trung bị thiên tai lũ lụt.

Tặng sổ tiết kiệm cho chị em phụ nữ trong xã có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế cho hội viên khó khăn, tặng quà, cặp sách, tập vở cho các cháu học sinh của các trường học trên địa bàn xã…hỗ trợ địa phương xây dựng giao thông nông thôn… mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Năm 2021, khi dịch Covid-19 ập đến, chị Dinh đã đóng góp hàng trăm triệu đồng ủng hộ các gia đình khó khăn và hỗ trợ địa phương trong công tác phòng chống dịch.

“Công việc sản xuất, kinh doanh của tôi luôn nhận được sự quan tâm của gia đình và sự động viên của các chị em ở các cấp hội, doàn thể địa phương. Những khó khăn thách thức mà tôi đã trải qua đều là những bài học kinh nghiệm để chia sẻ, hỗ trợ người mới khởi nghiệp với mong muốn có thêm nhiều chị em khác làm kinh tế giỏi như tôi”. Chị Dinh tâm sự.

Với những thành quả đạt được, nhiều năm qua chị Dinh được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của Tỉnh. Riêng năm 2021, chị đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương và được đề nghị tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích xuất sắc trong sản xuất kinh doanh, có nhiều đóng góp thiết thực, hiệu quả trong công tác xã hội, từ thiện trên địa bàn tỉnh.

“Chị Dinh không chỉ là điển hình làm kinh tế giỏi của tỉnh, mà còn giúp đỡ, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương, tích cực tham gia công tác từ thiện, giúp đỡ những người nghèo và ủng hộ công tác phòng chống dịch Covid-19 tại địa phương. Chị Dinh xứng đáng là tấm gương điển hình trong phong trào “người Bình Phước nói lời hay làm việc tốt” đáng để mọi người học tập và nhân rộng”, ông Trần Văn Lập, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã Minh Lập, huyện Chơn Thành, Bình Phước.

Nguồn : Báo Nông Nghiệp

0906732376