Chat hỗ trợ
Chat ngay

   

Nguyên nhân tỉ lệ đậu thai thấp ở bò sữa và biện pháp khắc phục 

2
Chia sẻ
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  

Sóc Trăng có tổng đàn bò sữa trên 8.300 con, tăng 620 con so với năm 2015, sản lượng sữa đạt trên 8.000 tấn/năm. Tuy nhiên đàn bò tăng chủ yếu do nhập bò cái hậu bị, còn tăng đàn nhờ sinh sản tự nhiên vẫn còn rất ít, do kỹ thuật quản lý sinh sản của người nuôi còn hạn chế. Trong đó tình trạng bò sữa vô sinh hoặc chậm sinh làm cho tỉ lệ đậu thai thấp, ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng sữa và thu nhập của người nuôi.

Khuyen Nong 1-11 2

        Theo thống kê, tỉ lệ đậu thai của đàn bò sữa Sóc Trăng chỉ khoảng 34% mỗi năm. Thậm chí tại một số hộ chăn nuôi giỏi, phải phối giống cho bò vài lần mới có thể đậu thai. Theo tính toán, mỗi lần phối giống không đậu, người nuôi phải tốn từ 3 – 4 triệu đồng, bao gồm chi phí thụ tinh, thức ăn và các khoản khác để chăm sóc bò cho đến chu kỳ phối giống tiếp theo.

Nguyên nhân tỉ lệ bò đậu thai thấp xuất phát từ chất lượng tinh trùng, chất lượng bò cái và kỹ thuật gieo tinh. Từ năm 2014 đến nay, dự án phát triển đàn bò sữa của tỉnh đã hỗ trợ người nuôi bò sữa toàn bộ lượng tinh thường và tinh giới tính, nên chất lượng rất đảm bảo. Xét điều kiện chăn nuôi nông hộ, thì vấn đề xuất phát từ kỹ thuật lúc thụ tinh cho bò là nguyên nhân lớn nhất, trong đó việc xác định chính xác thời điểm bò cái động dục gây khó khăn nhiều nhất cho người nuôi. Ông Nguyễn Hữu Minh, Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Phó Giám đốc BQL dự án bò sữa tỉnh Sóc Trăng, có lưu ý sau: “Muốn phối giống đúng thời điểm thì người chăn nuôi phải sớm phát hiện được thời điểm bò lên giống, theo đó phải nắm được chu kỳ lên giống của bò là 21 ngày, trong thời gian này phải: kêu rống, hiếu động hơn ngày thường, hay nhảy chồm lên lưng con khác, có biểu hiện tiểu liên tục… để báo và cung cấp thông tinh đầy đủ cho dẫn tinh viên để phối giống kịp thời” .

 

Khuyen Nong 1-11 1

 

tăng cường chất đạm trong thức ăn cho bò giống trong giai đoạn lên giống

Theo lý thuyết, nếu bò đẻ 1 lứa/năm là thời gian sinh sản lý tưởng để bò cho sữa năng suất cao nhất. Để đạt được điều này, bò sữa cần được phối giống đậu thai trong khoảng 85 ngày sau khi sinh, nếu để khoảng cách giữa 2 lứa đẻ càng dài thì năng suất sữa sẽ ngày càng thấp. Hộ nuôi phải làm tốt việc cung cấp thức ăn, nước uống, ánh sáng, vệ sinh vật nuôi và môi trường nuôi, phát hiện bò động dục và gọi kỹ thuật viên gieo tinh kịp thời. Người thực hiện kỹ thuật này phải có tay nghề cao, bảo quản tinh bò tốt và phối giống đúng thời điểm. Không đạt tất cả các yêu cầu này đều ảnh hưởng đến khả năng đậu thai của bò. Tuy nhiên đây là điều rất khó đạt được, nhất là ở các hộ chưa có nhiều kinh nghiệm nuôi bò sữa. Anh Sơn Ngọc Hiệp ở xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú, cho biết: “Đối với bò sữa giống từ ngày nhập đàn đến 2 năm sau bò mới lên giống. Do chưa có nhiều kinh nghiệm nên 2 lần đầu tôi phối đều bị thất bại, đến lần thứ 3 tôi mời dẫn tinh viên đến thăm khám trong thời gian bò lên giống và đã phối giống thành công”.

Việc phối giống không đậu thai nhiều khi còn xuất phát từ sức khỏe của bò cái. Thông thường bò hậu bị sẽ dễ đậu thai hơn bò đã qua 1 lần hoặc nhiều lần sinh. Nhưng nếu bò tơ bị bệnh về đường sinh sản như rối loạn hoóc môn, tắc ống dẫn trứng hoặc khiếm khuyết bộ phận sinh dục sẽ không có khả năng mang thai hoặc phải điều trị tốn kém. Còn bò trong quá trình mang thai hoặc đang cho sữa bị các bệnh truyền nhiễm như viêm vú, lở mồm long móng… hoặc bị thai chết non, chẳng những làm suy giảm sức khỏe con vật, mà còn ảnh hưởng đến khả năng đậu thai chu kỳ sinh sản sau đó. Ông Lâm Mạnh ở xã Phú Mỹ, cho biết: “Theo kinh nghiệm của tôi trong thời gian bò lên giống mà có các triệu chứng bệnh như: ho, sốt, sán .. thì quy trình phối giống sẽ không thành công. Khi đó phải điều trị dứt bệnh cho bò rồi mới phối giống thì tỉ lệ thành công cao hơn”. Ông Nguyễn Hữu Minh, Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y, lưu ý thêm: “Bò giống cho sinh đến lứa thứ 6 thì nên loại vì tỉ lệ đậu thai giảm thấp, cần chú ý đến chế độ chăm sóc để bò tăng cường sức khỏe sinh sản như cung cấp khẩu phần ăn đầy đủ chất đạm, khoáng và vitamin, đối với bò sinh sản thì một ngày cần bổ sung thêm từ 40-50kg cỏ tươi. Với bò đã quá số lứa hoặc bị viêm tử cung, viêm vú nhiều lần cũng nên loại không cho sinh sản nữa”.

 

Nguyen-nhan-ti-le-dau-thai-thap-o-bo-sua-va-bien-phap-khac-phuc-21591

 

Mô hình nuôi bò sữa vươn lên làm giàu của chị em phụ nữ xã Tài Văn. 

Như vậy, sau khi sinh bê con khoảng 85 ngày sau bò cái sẽ động dục, thời gian động dục từ 6 – 24 giờ là thích hợp để phối giống. Sau khi phối giống đậu thai, bò mang thai hơn 9 tháng. Thời gian khai thác sữa là từ sau khi bò sinh con cho đến trước lứa sinh tiếp theo 2 tháng. Năng suất sữa đạt cao nhất từ tuần thứ 4 đến tuần thứ 10 sau khi sinh và sẽ giảm dần vào những tháng tiếp theo. Nếu người nuôi tính toán thời gian phối giống hợp lý, bò sinh bình quân 1 lứa/năm, thì trung bình 1 năm 365 ngày bò sẽ cho sữa 305 ngày. Với cách tính toán dựa theo ngày tháng này, nhiều nông hộ đã khá thành công trong việc xác định thời gian động dục của bò sữa, giúp việc chăn nuôi dễ dàng hơn. Chị Liêu Thị Diễm Thúy ở xã Tài Văn, huyện Trần Đề, chia sẻ: “Lúc mới nuôi, cái khó nhất của tôi là chưa có kinh nghiệm trong việc phối giống cho bò, phải mất thời gian phối đi phối lại nhiều lần.  Nhưng sau khi được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi bò, đi tham quan học hỏi thêm, giờ tôi đã có kinh nghiệm quan sát thời gian bò lên giống và tự mua tinh về phối giống đạt tỉ lệ rất cao”.

Tuy nhiên để đảm bảo chắc chắn tỉ lệ đậu thai cho bò sữa, người nuôi cần phối hợp tốt với cán bộ Thú y địa phương nhằm chăm sóc tốt sức khỏe và quản lý sinh sản hiệu quả trên đàn bò sữa của gia đình./.

Nguồn : nguoichannuoi.com

Thiết bị trang trại Nuôi bò.vn

Địa chỉ kho: số 23, đường Tân Xuân 6, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, TP.HCM

Hotline: 090.6732.376

Gmail: nuoibo.vn@gmail.com

Website: http://nuoibo.vn

Fanpage: https://www.facebook.com/nuoibo.vn

0906732376