Mục lục
- 1 (VNF) – Tại Trung Quốc, những giống lợn to đang được nhân giống trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi tiêu diệt gần nửa đàn lợn ở nước này. Theo một số ước tính, giá thịt lợn đã tăng vọt lên mức kỷ lục, khiến chính phủ phải thúc giục nông dân đẩy mạnh sản xuất để giảm lạm phát.
- 2 Xu hướng nuôi lợn khổng lồ không chỉ giới hạn ở các trang trại nhỏ ở Trung Quốc.
- 3 Loay hoay với cơn khát thịt lợn
(VNF) – Tại Trung Quốc, những giống lợn to đang được nhân giống trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi tiêu diệt gần nửa đàn lợn ở nước này. Theo một số ước tính, giá thịt lợn đã tăng vọt lên mức kỷ lục, khiến chính phủ phải thúc giục nông dân đẩy mạnh sản xuất để giảm lạm phát.
Xu hướng nuôi lợn khổng lồ không chỉ giới hạn ở các trang trại nhỏ ở Trung Quốc.
Trang trại nuôi lợn của ông Pang Cong ở thành phố Nam Ninh, thuộc tỉnh Quảng Tây, là một điển hình thành công. Mỗi con lợn ở đây có thể nặng ít nhất 500kg, thậm chí có con nặng tới 750kg, bán được hơn 10.000 nhân dân tệ (1.400 USD) lúc xuất chuồng, nhiều hơn gấp 3 lần thu nhập trung bình tháng ở địa phương.
Giá thịt lợn tăng cao tại tỉnh Cát Lâm cũng khiến những người nông dân ở đây tìm cách vỗ béo đàn lợn của mình đạt trọng lượng trung bình từ 175 kg đến 200 kg, lớn hơn trọng lượng bình thường là 125 kg.
“Họ muốn nuôi chúng lớn nhất có thể”, Zhao Hailin, một nông dân nuôi lợn trong khu vực, nói.
Xu hướng nuôi lợn khổng lồ không chỉ giới hạn ở các trang trại nhỏ. Các nhà sản xuất thịt lớn ở Trung Quốc như nhà cung cấp chăn nuôi lợn hàng đầu Wens Foodstuffs, Cofco Meat và Bắc Kinh Dabeinong Technology cũng cho biết họ đang cố gắng tăng trọng lượng trung bình của lợn.
Một vị khách tỏ ra thích thú với con lợn nặng 750kg trong một trang trại ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam – Ảnh: AP
Ông Lin Guofa, một nhà phân tích cao cấp của Công ty Tư vấn Nông nghiệp Bric cho biết các trang trại lớn tập trung vào việc tăng cường trọng lượng lợn ít nhất 14%.
“Chỉ cần tăng trọng lượng mỗi con lợn lên 140kg, từ mức trung bình 110kg, lợi nhuận đã tăng vọt 30% nên không khó để hiểu tại sao người nuôi lại sốt vó đến vậy”, ông Lin Guofa cho hay.
Loay hoay với cơn khát thịt lợn
Thịt lợn là nguyên liệu chính trong chế độ ăn của người Trung Quốc. Trung bình mỗi người tiêu thụ 54,4 kg/năm. Sản lượng tiêu thụ thịt lợn ở Trung Quốc chiếm tới một nửa của thế giới. Điều đó có nghĩa, việc khan hiếm thịt lợn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sự ổn định xã hội.
Dịch tả lợn châu Phi bùng nổ đã khiến Trung Quốc phải tiêu hủy 100 triệu con lợn hồi năm 2018, đẩy giá thịt lợn tăng lên 50%.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa mới đây cảnh báo tình trạng thiếu hụt nguồn cung thịt lợn sẽ “cực kỳ nghiêm trọng” đến nửa đầu năm 2020.
Theo ông Hồ, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu 10 triệu tấn thịt lợn trong năm nay do đó các địa phương cần tăng cường sản xuất trong nước và đặt mục tiêu quay trở lại mức bình thường vào năm tới.
Tuy nhiên, nhiều nông dân vẫn thận trọng với việc phục hồi đàn lợn sau khi bị tổn thương do dịch bệnh bùng phát trước đó. Giá lợn con và lợn nái cũng tăng mạnh, khiến chi phí tái đàn của các trang trại trở nên đắt đỏ hơn. Việc tăng kích thước và trọng lượng những con lợn mà họ đã sở hữu có thể là bước tốt nhất tiếp theo.
Bên cạnh đó, Trung Quốc thời gian gần đây cũng đã tăng cường nhập khẩu thịt. Thịt lợn nhập khẩu vào Trung Quốc đã tăng 80% trong tháng 8 và 150% trong tháng 9 vừa qua để bù đắp khoảng trống do dịch tả lợn châu Phi gây ra.
Sau khi Mỹ tuyên bố trì hoãn việc tăng thuế từ ngày 1/10 vào dịp quốc khánh Trung Quốc, ngay lập tức, Trung Quốc cũng miễn thuế một số mặt hàng nông sản của Mỹ bao gồm: thịt lợn và đậu nành. Hành động miễn trừ thuế có thể là một con bài mặc cả trong cuộc đàm phán sắp tới với Mỹ.
Tờ Tân Hoa Xã cho hay, Trung Quốc là một thị trường rộng lớn và tiềm năng lớn đối với hàng nông sản chất lượng cao của Mỹ. Nước này cũng hy vọng Mỹ sẽ giữ đúng lời nói của mình, đạt được tiến bộ về các cam kết và tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác nông nghiệp song phương.
Việc đẩy lùi các mức thuế được hoan nghênh vì khi Mỹ nhượng bộ, một nhà kinh tế học ở Trung Tây Mỹ ước tính rằng cứ tăng 1% lượng tiêu thụ thịt lợn của Trung Quốc bằng 5% sản lượng chăn nuôi thịt lợn của Mỹ.
Chen Wenling, nhà kinh tế trưởng của Trung tâm Trao đổi kinh tế quốc tế Trung Quốc, cho biết thêm rằng Trung Quốc sẽ chắc chắn tăng lượng thịt lợn nhập khẩu từ Nhật Bản và các nước khác.