Những “tay chơi” mới
Mới đây, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã HAG) đã ra mắt thương hiệu Bapi – Heo ăn chuối và khai trương cửa hàng Bapi Mart. Theo ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị HAG, việc phát triển mô hình nuôi heo nhằm tận dụng 200.000 tấn chuối thải loại (không đủ điều kiện xuất khẩu) hàng năm. Thay vì bị vứt bỏ, lượng chuối này sẽ phơi khô, xay thành bột cho heo ăn. Với nguồn chuối có sẵn, HAG đang kiểm soát được khoảng 40% chi phí chăn nuôi heo.
Bên cạnh Hoàng Anh Gia Lai, Công ty Nông nghiệp BaF Việt Nam (mã BAF) cũng là cái tên mới nổi trên thị trường thịt heo có thương hiệu. Thành lập vào năm 2017, BAF ban đầu kinh doanh nông sản, sau đó dần chuyển hướng sang chăn nuôi heo theo mô hình 3F.
Mô hình 3F là viết tắt của “feed – farm – food”, tức quy trình sản xuất thực phẩm an toàn, bắt đầu từ thức ăn chăn nuôi tới quá trình nuôi ở các trang trại và chế biến thực phẩm. Đây được coi là mô hình chuẩn cho các doanh nghiệp kinh doanh mảng thực phẩm và là lợi thế của các doanh nghiệp có tiềm lực vốn cùng nhân lực lớn.
Ra mắt từ năm 2021, đến nay, thịt heo thương hiệu BAF đã có mặt tại 60 cửa hàng Siba Food và 250 cửa hàng Meat Shop. Hiện BAF đang sở hữu đàn heo hơn 200.000 con (bao gồm heo thịt và heo giống), hai nhà máy thức ăn chăn nuôi và 15 trang trại tại khu vực phía Nam.
Với sự xuất hiện của các thương hiệu mới, thị phần thịt heo 3F tiếp tục được chia nhỏ.
Nhiều năm trước, thị phần thịt heo 3F hầu như nằm trong tay tập đoàn nước ngoài. Trong đó, C.P Việt Nam, công ty con của Tập đoàn C.P Thái Lan, là doanh nghiệp sản xuất thịt heo lớn nhất Việt Nam với thị phần hiện ước tính khoảng 17 – 18%.
Gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 1988, tới nay, C.P Việt Nam đang có 8 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm với tổng công suất hơn 5,3 triệu tấn cùng 3 nhà máy chế biến thịt. Theo tính toán của doanh nghiệp, bình quân mỗi năm, Công ty đã cung cấp hơn 6,8 triệu con heo ra thị trường.
Tuy nhiên, dăm năm trở lại đây, thị trường thịt heo đã liên tục có sự gia nhập của các doanh nghiệp trong nước. Ngoài Tập đoàn Dabaco Việt Nam, doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi công nghiệp đầu tiên tại Việt Nam với vị thế vững chắc tại miền Bắc, thì còn có Tập đoàn Masan, Hòa Phát, Vissan. Meat Deli – thương hiệu thịt mát trong hệ thống siêu thị Winmart, Winmart+ thuộc Masan Meatlife (mã MML) ra mắt thị trường cuối năm 2019 cũng đang chiếm 2 – 3% thị phần với câu chuyện “thịt mát theo tiêu chuẩn châu Âu đầu tiên tại Việt Nam”.
Trong khi đó, tham gia mảng chăn nuôi từ năm 2016, Hòa Phát đang khép kín mô hình sản xuất từ sản xuất con giống – sản xuất thức ăn chăn nuôi và nuôi heo thịt. Theo công bố của doanh nghiệp này, 6 tháng đầu năm 2022, sản lượng heo tiêu thụ các loại đạt gần 200.000 con heo thịt thương phẩm, heo giống.
Tới đây, thị trường thịt heo sẽ đón thêm một đối thủ mới gia nhập cuộc đua 3F là Nova Consumer (thành viên Nova Group). Nova Consumer hiện đang hoạt động ở hai mảng chính là nông nghiệp và sản xuất hàng tiêu dùng. Tháng 6/2022, Nova Consumer đã hoàn tất thương vụ M&A Sunrise Foods với tham vọng mở rộng kênh phân phối lên 450.000 điểm bán lẻ.
Trước đó, các hoạt động sản xuất của Nova Consumer vẫn xoay quanh lĩnh vực sức khỏe chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi và trang trại theo mô hình 2F. Việc sở hữu Sunrise Foods, qua đó, sở hữu Công ty Anco Family Food giúp doanh nghiệp bổ sung mảnh ghép “F” cuối cùng trong chuỗi 3F.
Đường đua thêm khốc liệt
Theo VNDirect, giá thịt (ba chỉ) của BAF hiện đang có mức giá tốt nhất so với các thương hiệu khác trên thị trường. Bên cạnh đó, Công ty đang bắt đầu giai đoạn mở rộng để trở thành một trong 3 công ty chăn nuôi sở hữu đàn heo lớn nhất cả nước.
Kể từ tháng 6/2022, BAF cũng đã “bắt tay” với Sen Đỏ để đưa các sản phẩm thịt của Siba Food lên sàn thương mại điện tử này với mục tiêu bắt kịp xu hướng tiêu dùng của khách hàng.
Với “tân binh” HAG, mục tiêu của Công ty là đến cuối năm 2022 sẽ mở khoảng 200 cửa hàng Bapi Mart và đến cuối năm 2023 có trên 1.000 cửa hàng bán lẻ ở các tỉnh, thành phố; trong đó tập trung chủ yếu tại TP.HCM và Hà Nội.
Tại Hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư vào cổ phiếu Nova Consumer (mã NCG), đại diện Công ty chia sẻ, Nova Consumer được tập đoàn mẹ hỗ trợ, đặc biệt là các điểm chạm vật lý như 75.000 sản phẩm bất động sản, 2.000 cửa hàng tiện lợi. Bên cạnh đó, Nova sẽ ra mắt thêm các siêu thị với tổng số lượng kênh là 450 cửa hàng Nova Market.
Với hệ thống nhà hàng, khách sạn, khu đô thị, chuỗi siêu thị, chuỗi bán lẻ… thuộc Nova Group, đến năm 2025, Nova Consumer tự tin sẽ phát triển mạnh mẽ các sản phẩm thực phẩm tươi sống tới tay người tiêu dùng, đồng thời trở thành đòn bẩy để doanh nghiệp bước vào cuộc chơi 3F một cách thuận lợi.
Theo Ipsos Việt Nam, phân khúc thịt heo thương hiệu tại Việt Nam vẫn còn dư địa tăng trưởng khoảng 10 – 15% mỗi năm, do phân khúc này mới chỉ chiếm khoảng 10% toàn thị trường. Do vậy, đây vẫn là một thị trường tiềm năng cho các nhà sản xuất thịt có sự đầu tư vào hệ thống chăn nuôi, phân phối qua điểm bán hiện tại và đi theo câu chuyện “thịt sạch và có nguồn gốc rõ ràng”.
Tuy nhiên, VNDirect nhận thấy sự cạnh tranh từ các công ty đã có sẵn thị phần và đảm bảo được hệ thống nhà máy trang trại khép kín và cung cấp thịt ra thị trường sẽ là rào cản gia nhập ngành.
Thay vào đó, BAF, HAG hay Nova Consumer đều có chiến lược phân phối thịt heo thông qua hệ thống cửa hàng riêng của mình.
Sau cuộc khảo sát nhỏ về các thương hiệu thịt đang được bày bán trong Top 7 chuỗi siêu thị bán lẻ lớn nhất Việt Nam năm 2022, phóng viên ghi nhận phần lớn ưu thế thuộc về 3 thương hiệu: C.P, Meat Deli và Vissan. Do đó, việc chen chân vào các siêu thị quy mô lớn không hề dễ dàng cho các “tay chơi” mới. Thay vào đó, BAF, HAG hay Nova
Consumer đều có chiến lược phân phối thịt heo thông qua hệ thống cửa hàng riêng của mình. Nếu như BAF và Nova Consumer được hậu thuẫn từ hệ thống các cửa hàng có sẵn, thì HAG mới loay hoay từ những cửa hàng đầu tiên (hiện Bapi Mart mới mở 1 cửa hàng tại Đà Nẵng và 3 cửa hàng tại TP.HCM).
Áp lực cạnh tranh trên thị trường cung cấp thịt heo nóng dần, trong khi ngành chăn nuôi heo đang chịu nhiều khó khăn, thách thức. Giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao từ đầu năm đến nay do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gẫy, đặc biệt kể từ xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine – hai nhà xuất khẩu ngô và lúa mì hàng đầu thế giới.
Nguồn thức ăn chăn nuôi trong nước đang phụ thuộc từ 80 – 90% vào nguyên liệu nhập khẩu, do vậy, ngay cả các doanh nghiệp chăn nuôi theo mô hình 3F cũng bị ảnh hưởng tiêu cực của đà tăng giá của thức ăn chăn nuôi.
Trong khi đó, sau khi đạt đỉnh vào năm 2020, giá thịt heo giảm mạnh từ năm 2021. Dù giá heo hơi có nhịp phục hồi giữa tháng 7 ở mức 75.000 đồng/kg, nhưng đã bắt đầu giảm ở tháng 8 và đến nay đã rơi về mức đáy hồi tháng 1/2022.
Khó khăn hai đầu đã phản ánh rõ trên kết quả kinh doanh nửa đầu năm của các doanh nghiệp. BAF ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.969,5 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 128 tỷ đồng, lần lượt giảm 43% và 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Dabaco công bố lãi vỏn vẹn 23 tỷ đồng trong nửa đầu năm, giảm 96% so với cùng kỳ 2021…
Thị trường thịt heo 3F chẳng “dễ ăn”. Để đi được đường dài, doanh nghiệp sẽ cần chiến lược bài bản và tiềm lực tài chính mạnh để đủ sức vượt qua những giai đoạn khó khăn như hiện nay.