Chat hỗ trợ
Chat ngay

   

Con trâu trong đời sống văn hóa tâm linh người Việt

Screen Shot 2022-06-07 At 15.44.21
Chia sẻ
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  

Con trâu là vật nuôi được thuần hóa từ lâu trong lịch sử, là con vật gắn bó mật thiết với cuộc sống của người nông dân và có vai trò quan trọng trong nông nghiệp lúa nước. Hình tượng con trâu xuất hiện phổ biến trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam với biết bao câu truyện cổ tích và huyền thoại, trở thành một biểu tượng văn hóa, tín ngưỡng thiêng liêng của người Việt.

53.con-trau-trong-van-hoa-tam-linh-1-.jpg
Con trâu như người bạn thân thiết gắn bó với người nông dân

Trâu là loài vật xuất hiện sớm trong tiềm thức của người dân Việt Nam biểu trưng cho sự cần cù, chăm chỉ, hiền lành và có sức chịu đựng dẻo dai.

Từ thời xa xưa, con trâu gắn liền với cuộc sống lao động cần lao của người nông dân qua câu thành ngữ quen thuộc “Con trâu là đầu cơ nghiệp”, hay “Con trâu đi trước cái cày theo sau”. Khi người Việt biết trồng cây lúa nước, con trâu đã là người bạn thân thiết, gắn bó với nông dân. Ngoài công việc kéo cày, kéo bừa trong nông nghiệp, trâu còn phục vụ sức kéo, sinh sản, lấy thịt, lấy sữa và một số sản phẩm từ trâu như sừng, da, móng.

Trong văn hóa phương Đông, trâu (sửu) là một trong 12 con giáp đứng ở vị trí thứ hai, đồng thời là gia súc đứng đầu lục súc (gồm trâu, chó, ngựa, dê, gà, lợn). Trong tri thức về loài vật của người Việt thì tri thức về con trâu là có sớm nhất và đầy đủ nhất. Trâu sớm được thuần hóa, gần gũi thân thiết với con người, giúp con người trong việc đồng áng nên người nông dân coi trâu như người bạn. Đối với các vùng quê ở Việt Nam, hình ảnh con trâu được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống tinh thần rất gần gũi thân thuộc với tất cả mọi người, từ già trẻ, lớn bé. Trong những câu chuyện cổ tích luôn sự hiện diện của con trâu như “Trí khôn của ta đây”, truyền thuyết “Sự tích hồ Trâu Vàng ở Hồ Tây, Hà Nội”…

Từ đời sống thực tại, con trâu đã đi vào lĩnh vực tinh thần, tâm linh của người Việt. Chiếc sừng trâu gợi lên hình ảnh trăng lưỡi liềm biểu tượng của nước trong tín ngưỡng nông nghiệp. Lúc đón giao thừa, người ta ra xem trâu nằm hay trâu đứng, trâu ngoảnh đầu ra cửa hay vào trong để biết năm đó làm ăn có thuận lợi hay không.

Con trâu xuất hiện trong lễ hội dân gian với vai trò là vật tế lễ linh thiêng cũng phản ánh tín ngưỡng nông nghiệp của người nông dân. Ở Bắc Giang từ xa xưa đã có tục tế trâu, thờ trâu trong các lễ hội truyền thống. Hội làng Phú Khê (Tân Yên) có lệ tế thần thành hoàng bằng trâu sống. Hội làng Nội Ninh (Việt Yên) cũng có tục tế thần bằng trâu sống.

Nhiều đình chùa ở Việt Nam đã chạm khắc và tạc tượng trâu. Ngành khảo cổ học đã tìm thấy ở buổi đầu dựng nước có nhiều tượng trâu ở di chỉ Đình Chàng, sau đó là tượng trâu bằng đá ở chùa Kim Ngưu (Bắc Ninh), to bằng con nghé, có chiều dài 102 cm ở thế nằm và cao 88 cm, có thể được tạc từ thời Bắc thuộc.

Đến thời nhà Lý, đạo Phật trở thành quốc giáo thì ở chùa Phật tích (Bắc Ninh), được xây dựng năm 1057, có cặp tượng trâu to bằng trâu thật, tạc trên đài sen ở sân chùa, hình rất thực và sống động.

Thời Lê Trung Hưng, trong trào lưu phát triển mạnh nghệ thuật làng xã với các đình chùa, miếu mạo thì con trâu trở thành hình chạm trang trí khá phổ biến. Chùa Bút Tháp ở Bắc Ninh dựng năm 1647, tại lan can đá ở thượng điện và tháp Bảo Nghiêm đều có hình trâu chạm nổi. Ở tấm bia đá chùa Cảnh Phúc (Nam Định) dựng năm 1695 cũng có hình chạm con trâu đang nằm nghỉ.

53.con-trau-trong-van-hoa-tam-linh-3-.jpg
Hình tượng con trâu cũng xuất hiện nhiều trong các bức tranh dân gian

Ngoài cách tạc tượng trâu thì hình tượng con trâu cũng xuất hiện nhiều trong các bức tranh dân gian được thể hiện với nhiều chất liệu từ tranh lụa, tranh sơn mài và đặc biệt là qua tranh Đông Hồ. Trong đó nổi bật là tranh Chăn trâu thổi sáo – miêu tả một chú bé thổi sáo ngồi trên lưng trâu, trên đầu đội một lá sen tỏa rộng, dưới mặt đất là cỏ.

Trong tranh của Đông Hồ còn ghi nhận hình ảnh con trâu đi sát với sinh hoạt làng quê, có những chú bé mục đồng tóc để chỏm thổi tiêu trên lưng trâu giữa những cánh đồng lúa chín vàng, hay bên những lũy tre xanh có những con trâu được nghỉ ngơi nhai cỏ sau những giờ làm lụng vất vả.

53.con-trau-trong-van-hoa-tam-linh-2-.jpg
Lễ hội chọi trâu bao giờ cũng thu hút đông đảo người dân đến xem

Con trâu còn gắn liền với các lễ hội nổi tiếng như chọi trâu ở Đồ Sơn (Hải Phòng) vào ngày 9/8 âm lịch. Lễ hội chọi trâu là để tưởng nhớ công ơn của các vị thần được đánh giá là một trong những lễ hội đặc sắc nhất của cư dân miền biển, có sự giao thoa giữa những yếu tố văn hoá nông nghiệp đồng bằng với văn hoá cư dân ven biển; mang sắc thái riêng, gắn liền việc thờ cúng thuỷ thần với nghi lễ chọi và hiến sinh trâu; thể hiện bản sắc văn hóa, tinh thần cùng thể chất đặc biệt của người dân miền biển hàng ngày đối diện với biển khơi và bão tố để mưu sinh.

Người dân nơi đây quan niệm, nếu trâu làng nào thắng trận trong lễ hội, năm ấy cả làng sẽ gặp nhiều may mắn, mưa thuận gió hoà, mọi người bình yên trong suốt hành trình đi biển.

Ngoài Đồ Sơn, Hải Phòng, làng Hải Lưu, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc cũng có lệ chọi trâu khá quy mô. Đây là một trong những lễ hội văn hóa dân gian cổ xưa nhất còn lưu giữ được dáng vẻ nguyên sơ, không có những toan tính thái quá của con người. Lễ hội đã trở thành truyền thống ăn sâu vào tiềm thức của người dân nơi đây mỗi dịp Tết đến xuân về.

Đặc biệt con trâu đã trở thành linh vật của Seagame 22 tại Việt Nam. Với bản chất hiền lành, hoà đồng và chăm chỉ, hình ảnh con trâu gần gũi, thân mật với người dân trong nền văn minh lúa nước của Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Hình ảnh trâu còn tượng trưng cho ước vọng về mùa màng tốt đẹp, ấm no, hạnh phúc, sức mạnh và tinh thần thượng võ của người Việt.

  • Thiết bị trang trại Nuôi bò.vn
  • Điện thoại: 090.673.2376
  • Gmail: nuoibo.vn@gmail.com
  • Địa chỉ văn phòng: số 23, đường Tân Xuân 6, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, TP.HCM
0906732376