Xã đảo bứt phá nhờ nuôi bò
Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn – Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, hiện tổng đàn bò trên địa bàn thành phố khoảng 130.000 con, trong đó đàn bò sữa 14.500 con, sản lượng thịt bò hơi ước đạt 5.400 tấn, sản lượng sữa tươi đạt 16.800 tấn.
Hà Nội đang đẩy mạnh công tác lai tạo, nâng cao chất lượng giống bò thịt nhằm tăng hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi; phát triển chuỗi liên kết trong chăn nuôi bò thịt; xây dựng thương hiệu “bò thịt Hà Nội” nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường…
Hiện toàn thành phố có 92 trang trại chăn nuôi bò thịt quy mô lớn ngoài khu dân cư; tỷ lệ thụ tinh nhân tạo trên đàn bò thịt đạt hơn 80%, nhiều giống bò chất lượng cao, như: Bò lai Zebu chiếm tỷ lệ 65%, gần 30% bò lai hướng thịt (BBB, Angus…), còn lại 5% là giống bò vàng địa phương.
Từ năm 2012, thành phố đã triển khai dự án “Ứng dụng kết quả nghiên cứu, lai tạo giống bò thịt BBB trên nền bò cái lai Sind tạo thành đàn bò F1 hướng thịt”.
Đến nay, dự án đã lai tạo và sản xuất được hơn 130.000 con bê lai F1 BBB mang lại giá trị cho người chăn nuôi bò thịt khoảng 1.000 tỷ đồng. Ngành nông nghiệp thành phố cũng đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi bò với việc thực hiện đồng bộ các biện pháp về con giống, thức ăn, xử lý môi trường nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Trong phong trào nuôi bò thịt, đứng đầu TP.Hà Nội phải kể đến xã Minh Châu (huyện Ba Vì), với tổng đàn trên 4.000 con bò và đây cũng là nơi sản xuất ra những chú bò thịt có chất lượng tốt nhất. Chỉ tính trong 6 đầu năm 2020, doanh thu bán bò, bê thịt các loại đã mang về cho xã đảo này khoảng 30 tỷ đồng.
Tận dụng lợi thế đất đai còn rộng, vùng bãi bồi màu mỡ, người dân địa phương đã phát triển chăn nuôi bò thịt và bò sinh sản. Từ những năm 2000, khi ngành nông nghiệp Hà Tây (nay là TP.Hà Nội) có chủ trương cải tạo, nâng cao chất lượng giống đàn bò, chương trình Sind hóa đàn bò, Minh Châu đã là xã đi đầu trong việc tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Từ giống bò vàng Việt Nam chủ yếu nuôi làm sức kéo, dần được bà con thay thế bằng giống bò Zebu, bò chất lượng cao để lấy thịt. Đàn bò của xã cứ thế tăng dần qua từng năm.
Năm 2007, Sở NNPTNT thành phố tổ chức hội thi bò thịt, bò sinh sản xã Minh Châu lần thứ nhất. Thông qua hội thi, người dân cả nước biết đến nghề nuôi bò ở xã Minh Châu, từ đó các chính sách về phát triển giống bò của Hà Nội cũng được quan tâm, đầu tư hơn.
Một loạt giống mới chất lượng cao đã được đưa vào sản xuất mà xuất phát từ chương trình Sind hóa đàn bò (như các giống Brahman, Droughmarter, Anger, bò BBB (bò 3B), bò Wagyu…).Theo đánh giá của ông Nguyễn Ngọc Sơn, đến nay tại xã Minh Châu đã hình thành vùng sản xuất bò chất lượng cao, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi. Năm 2019, thu nhập từ bán sữa, bò và bê thịt các loại, toàn xã Minh Châu thu được trên 70 tỷ đồng.
Xây dựng đàn bò thịt cao sản
Phát biểu tại hội nghị “Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi bò thịt và sử dụng, chế biến phụ phẩm nông nghiệp” được tổ chức mới đây, ông Nguyễn Huy Đăng – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết, để chăn nuôi bò thịt trở thành một nghề bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế cao, có đầu ra ổn định, thời gian tới thành phố sẽ tập trung phát triển các giống bò thịt chất lượng cao ở các huyện có nhiều diện tích đồi gò như: Mỹ Đức, Chương Mỹ, Sóc Sơn, Quốc Oai, hay Ba Vì…
Phấn đấu đến năm 2025, đàn bò cái sinh sản được thụ tinh nhân tạo của thành phố chiếm 90% tổng đàn, trong đó lai tạo giống bò cao sản chiếm 45%.
Theo đó, ông Đăng cho biết Hà Nội đang đẩy mạnh công tác lai tạo, nâng cao chất lượng giống bò thịt nhằm tăng hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi; phát triển chuỗi liên kết trong chăn nuôi bò thịt; xây dựng thương hiệu “bò thịt Hà Nội”…Cũng theo ông Đăng, Hà Nội hiện rất khó khăn để bố trí diện tích trồng cỏ cho đàn bò. Về mùa đông, cỏ tự nhiên khan hiếm, nên trâu, bò không được cung ứng đầy đủ thức ăn xanh. Trong khi đó, hàng năm lượng phụ phẩm nông nghiệp của Hà Nội khá lớn, hiện tại chưa được sử dụng nhiều, sau vụ gặt, nông dân thường đốt rơm rạ ngay trên đồng gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Thân cây ngô, bã mía, rỉ mật đường của các nhà máy có sản lượng lớn chưa được tận dụng.
Do đó, trong thời gian tới bà con cần đẩy mạnh tận dụng các loại phụ phẩm này chế biến thành thức ăn cho trâu, bò. Qua đó, giải quyết được nguồn thức ăn nuôi bò, vừa tiết kiệm chi phí lại góp phần bảo vệ môi trường.
TS Tăng Xuân Lưu – Giám đốc Trung tâm Bò và Đồng cỏ Ba Vì cho rằng, Hà Nội nên đi theo con đường phát triển đàn bò thịt chất lượng và làm giống. Có 4 việc mà ngành chăn nuôi bò thịt của Hà Nội cần phải làm. Một là, muốn có đàn bò chất lượng thì phải tiếp tục cải tạo đàn bò cái nền. Hai là, phải xây dựng thương hiệu bò thịt Hà Nội thông qua tuyên truyền.
Thứ ba, Hà Nội phải làm thành công cuộc “cách mạng” chế biến thức ăn từ rơm rạ, cỏ khô, lúc đó dù người nông dân không cần có ruộng vẫn hoàn toàn nuôi được bò thịt. Bốn là, ngành thú y phải sát sao theo dõi diễn biến dịch bệnh trong chăn nuôi, giúp nông dân nuôi bò phòng chống được dịch bệnh.