Chat hỗ trợ
Chat ngay

   

BÒ TÓT, BIỂU TƯỢNG CỦA SỨC MẠNH, SỰ CƯỜNG TRÁNG VÀ SUNG TÚC

Bò Tót
Chia sẻ
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
Trước đây bò tót (Bos gaurus) có mặt ở khắp lục địa Nam Á và Đông Nam Á và Sri Lanka. Hiện nay, chúng xuất hiện rải rác ở các quốc gia sau: Bhutan, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, CHDCND Lào, bán đảo Malaysia, Myanmar, Nepal, Thái Lan và Việt Nam. IUCN xác nhận bò tót đã tuyệt chủng ở Sri Lanka và Bangladesh.
Tranh vẽ thể hiện cuộc săn bò tót lại Ceylon (tên cũ của Sri Lanka thời thuộc địa Anh).
Hình ảnh: Ceylon Gaur (Gawara) • Ceylon Guide
Vùng phân bố của bò tót trên thế giới hiện nay, theo Sách Đỏ IUCN.
Bản đồ phân bố được thể hiện tổng quát, tuy nhiên trong thực tế bò tót chỉ phân bố phân tán thành từng đàn nhỏ, di chuyển rải rác trên địa phận các quốc gia kể trên, đặc biệt ở Ấn Độ, Lào, Myanmar, Trung Quốc và Malaysia.
Theo Sách Đỏ IUCN, trên thế giới ước tính còn khoảng ít nhất 6000 và tối đa 21,000 cá thể bò tót trưởng thành. Với tình trạng số lượng đang giảm dần, bò tót được xếp vào mức độ Sắp nguy cấp trong Sách Đỏ thế giới. Nguyên nhân chính do bị săn bắn để lấy thịt, sừng và xương làm vật dụng và đồ trang sức.
Bò tót sống ở độ cao không quá 2,800m so với mặt nước biển; sinh cảnh của chúng là các khu rừng thường xanh, bán thường xanh, đồng cỏ, xavan và các rừng cây bụi. Việc phá rừng, mở đường sá cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến mất sinh cảnh và làm phân mảnh địa bàn hoạt động của những đàn bò tót.
 
 
3 phân loài bò tót còn tồn tại và 1 loài hậu duệ thuần hóa
 
✔️ Bos gaurus sinhaleyus
Phân loài bò tót đã tuyệt chủng tại Sri Lanka, có tên địa phương là Gawara, tên thông dụng là bò tót Ceylon. Đàn bò tót Ceylon cuối cùng được ghi nhận xuất hiện vào khoảng những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước.
Ceylon là tên cũ của Sri Lanka thời kỳ thuộc địa vương quốc Anh. Dựa vào những chứng cớ thu thập được, bò tót Ceylon được xác định là nhỏ con hơn bò tót Ấn Độ, nhưng tính hung hãn thì không hề thua kém phân loài bò tót nào.
✔️ Bos gaurus laosiensis hay Bos gaurus readei
Bò tót Đông Dương, có mặt ở Myanmar, Trung Quốc, Việt Nam, Lào và Campuchia. Đây là phân loài bò tót có tầm vóc to lớn nhất, nhưng đáng tiếc, cũng là giống bò tót bị tàn sát nhiều nhất.
✔️ Bos gaurus gaurus
Còn gọi là “bò bison Ấn Độ” mặc dù không dính dáng gì đến bò bison cả mà chỉ là tên gọi thông dụng. Đây là phân loài phổ biến nhất. Phân bố tại Ấn Độ và Nepal, Bhutan. Rất to lớn, con đực có thể nặng tới 1,7 tấn, tuy nhiên vẫn nhỏ hơn bò tót Đông Dương. Sừng chúng cong hơn sừng bò tót Đông Dương.
✔️ Bos gaurus hubbacki
Phân bố ở Thái Lan và Malaysia, là phân loài bò tót nhỏ nhất. Bò đực không có yếm trước ngực.
✔️ Bos frontalis
Tên thông dụng Mythun, Mithan hoặc Gayal. Hình thức thuần hóa của bò tót được IUCN coi là một loài riêng biệt, xuất hiện ở các vùng của Ấn Độ, Trung Quốc và Myanmar với hình thức hoang dã, bán hoang dã và vật nuôi. Bò tót được xếp vào mức dễ tổn thương, trong khi bò tót lai không có tên trong Sách Đỏ.
Bò tót lai là con lai của bò tót đực hoang dã với bò nhà cái. Con lai thường thể hiện những đặc tính vượt trội về ngoại hình của bò cha, như thể trọng lớn, tốc độ lớn nhanh, sớm có sừng và sừng to dài hơn gấp 2 3 lần so với bò nhà, sức thích nghi với môi trường dẻo dai, chịu được điều kiện sống kém.
Ở Ấn Độ, bò tót lai (tên thông dụng Mythun, Mithan, Gayal…) thường được chăn thả tự do trên cách đồng cỏ giáp ranh bìa rừng cho đến khi giết thịt, chứ không khai thác sức lao động, sức kéo. Chúng được coi là biểu tượng của sự sung túc, dùng để đánh giá cơ ngơi, sự giàu có của một gia đình, đặc biệt quan trọng khi thực hiện các tập tục cưới xin, lễ lạt. Trước đây tại Việt Nam cũng có dự án phát triển nguồn giống bò tót lai F1, do bò tót hoang dã về ghép đôi tự nhiên với bò nhà tại chân núi Tà Niên, xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận, là khu vực vùng đệm VQG Phước Bình, nhưng dự án nghiên cứu khoa học Khai thác và phát triển nguồn gen bò quý hiếm tại vùng rừng giáp ranh 3 tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng và Khánh Hòa (2015-2019) không thành công.
 
 
Bò tót tại Việt Nam
Tại Việt Nam hiện có khoảng 300 bò tót trên khắp cả nước, trong đó quần thể bò tót đông đúc nhất có hơn 120 con, sinh sống trong địa phận VQG Cát Tiên. Ngoài ra bò tót hoang dã cũng phân bố rải rác tại các tỉnh khác thuộc vùng núi Nam Tây Nguyên, miền Trung, dọc theo dãy Trường Sơn, núi rừng Tây Bắc.
Ở Việt Nam chỉ có duy nhất 1 phân loài bò tót Đông Dương, nên thường được gọi chung vắn tắt là bò tót. Một số nơi gọi là con min, do bò tót nhìn phía trước giống trâu rừng. Đồng bào Raglai gọi bò tót là K’vây có nghĩa là con vật hung dữ và to lớn.

Bò tót có thể hình rất ấn tượng, tầm vóc khổng lồ, kích thước to lớn nhất trong họ Trâu bò trên toàn thế giới, to lớn và nặng hơn gấp rưỡi đến gấp đôi bò bison châu Mỹ.

Môn đấu bò truyền thống nổi tiếng khắp thế giới của người Tây Ban Nha, thường được gọi là đấu bò tót nhưng thực chất bò đấu được tuyển chọn, lai phối những giống bò nhà (bò mộng). Một con bò đấu thường nặng khoảng 4-6 tạ – trọng lượng này là rất khiêm tốn khi so với bò tót.
Bò tót được xem là biểu tượng của sức mạnh và sự cường tráng. Một con bò đực trưởng thành cao trung bình 1,8 – 1,9m, dài trung bình khoảng 3m. Khối lượng trung bình của bò tót Ấn Độ vào khoảng 1,3 tấn, bò tót Mã lai khoảng 1 tấn, và bò tót Đông Dương nặng 1,5 tấn. Những con to có thể cao tới 2,1 – 2,2m, dài 3,6 – 3,8m và nặng hơn 1,7 tấn. Với vóc dáng này, bò tót là loài thú lớn thứ 3 về chiều cao, chỉ xếp sau hươu cao cổ và voi, chúng cao hơn cả năm loài tê giác. Về khối lượng, bò tót đứng thứ 5 trong số các loài động vật trên cạn; xếp sau sau voi, tê giác trắng, tê giác Ấn Độ và hà mã. Con cái thấp hơn con đực khoảng 20cm và nặng khoảng 60 – 70% khối lượng con đực.

Bò tót đực có màu đen bóng, lông ngắn và gần như trụi hết khi về già. Bò tót cái có màu nâu sẫm, những cá thể sống ở địa hình khô và thưa còn có màu hung đỏ. Bò đực và cái đều có sừng. Sừng to, chắc, và uốn cong về phía trước. Chiều dài trung bình của sừng thường từ 80 – 85 cm ở bò đực, sừng bò cái ngắn, nhỏ hơn và uốn cong hơn. Trên trán, giữa 2 gốc sừng là 1 chỏm lông, thường có màu vàng. Mũi sừng có màu xanh xám, chuyền dần sang xám đen rồi đen bóng ở những chú bò già. Gốc sừng có màu xám đen, và có những lằn rãnh nằm ngang, gọi là răng. Phần giữa gốc sừng và mũi sừng có màu vàng nhạt. Đuôi chỉ dài ngang đến khuỷu chân sau. Ở cả bốn chân, từ khuỷu chân trở xuống có màu trắng, trông như đi tất.

Con đực dễ phân biệt với con cái bằng sóng cơ gồ cao chạy dọc sống lưng đến quá bả vai, và một cái yếm lớn trước ngực, tạo ra một dáng vẻ rất cơ bắp, đồ sộ ấn tượng.

Ở Việt Nam, chỉ từ thập niên 70 đến nay, số lượng bò tót đã sụt giảm nghiêm trọng bởi bị săn bắt trái phép nhằm phục vụ nhu cầu lấy thịt, làm đồ trang trí, mỹ nghệ, và cả dùng làm thuốc dù cả Tây y và Đông y đều đã chứng minh mật bò tót không hề có những tác dụng siêu việt như đồn thổi vô căn cứ.
Khoảng những năm 70, số lượng bò tót trên toàn quốc ước tính khoảng 3000 con thì đến nay chỉ còn hơn 300 con.
Trong tự nhiên, bò tót sống thành từng đàn từ 8-10 cá thể. Ở VQG Cát Tiên thường thấy những đàn bò đông đến hơn 20 con bao gồm bò tót trưởng thành và con con. Điều này chứng tỏ những đàn bò tót trong tự nhiên tại VQG Cát Tiên có khả năng sinh sản và gia tăng số lượng trong quần thể. Bò tót mẹ có thai khoảng 270 ngày, đẻ mỗi năm một lứa, mỗi lứa một con.

Bò tót thích ăn lá non, mầm măng non, cỏ non… Tính tình khá hung dữ, chúng hay húc tung những chướng ngại vật và có thể húc chết người. Bò tót đặc biệt hung hăng khi bị chắn lối đi và trong giai đoạn mang thai và nuôi con. Vì vậy du khách đến VQG Cát Tiên nếu may mắn gặp bò tót cần rất chú ý giữ khoảng cách tối thiểu 300m và tránh có những cử động gây chú ý, kích động đàn bò tót. Khói thuốc lá, tiếng động bất thường, ánh đèn flash điện thoại, máy ảnh cũng là những yếu tố gây kích động cho đàn bò tót. Du khách đến với rừng chính là các vị khách quý đến thăm nhà của hơn 1,700 loài động vật hoang dã tại đây, cần hết sức lưu ý và thực hiện tốt các biện pháp an toàn khi tiếp xúc với động vật hoang dã để đảm bảo chuyến tham quan được vui vẻ và trọn vẹn nhất.

Thiết bị trang trại Nuôi bò.vn

Địa chỉ kho: số 23, đường Tân Xuân 6, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, TP.HCM

Hotline: 090.6732.376

Gmail: nuoibo.vn@gmail.com

Website: http://nuoibo.vn

Fanpage: https://www.facebook.com/nuoibo.vn

0906732376