Chat hỗ trợ
Chat ngay

   

Phát triển chăn nuôi bò tập trung

Hinh-anh-con-bo-cuoi-dep_024431472
Chia sẻ
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
Đàn bò tại xã Minh Châu, huyện Ba Vì.
Đàn bò tại xã Minh Châu, huyện Ba Vì.

Từ nhiều năm nay, huyện Ba Vì chú trọng đầu tư, phát triển chăn nuôi bò theo mô hình tập trung xa khu dân cư và an toàn sinh học. Đến nay, huyện Ba Vì đã xây dựng, phê duyệt quy hoạch vùng trọng điểm chăn nuôi bò thịt tại 10 xã vùng núi, ven sông, với tổng đàn hơn 20 nghìn con; quy mô bình quân đạt 5 con/hộ.

Huyện Ba Vì có khoảng 150 trang trại chăn nuôi bò thịt với quy mô từ 20 con trở lên; cá biệt có trang trại nuôi từ 80 đến 100 con bò thịt, mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho nông dân. Đại diện UBND xã Minh Châu cho biết, nhờ tận dụng vùng đất bãi màu mỡ, những năm gần đây chăn nuôi bò phát triển mạnh. Đời sống của người nông dân nâng cao nhờ chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản. Hiện nay, tổng đàn bò của xã đạt hơn 4.350 con và tạo thành vùng sản xuất giống bò chất lượng cao cung cấp cho nhiều địa phương trong cả nước.

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, tính đến tháng 10-2020, đàn bò trên địa bàn thành phố có 130 nghìn con. Tỷ lệ thụ tinh nhân tạo trên đàn bò cái nền đạt 80%, với các giống bò hướng thịt chủ lực là: Angus, BBB, Wagyu… Khối lượng bò lai xuất chuồng ở 18 tháng đến 24 tháng đạt 400kg đến 500 kg. Sản lượng sữa đạt 4,9 tấn/con/chu kỳ. Một số bò sữa sinh ra từ tinh phân ly giới tính có sản lượng sữa hơn 5,5 tấn/con/chu kỳ. Hà Nội tập trung phát triển chăn nuôi bò thịt ở 19 xã trọng điểm. Từ năm 2018 đến nay đã đưa công nghệ 4.0 vào trong quản lý theo dõi bò cái sinh sản.

Thành phố cũng tổ chức giám định, bình tuyển, gắn chíp điện tử cho 6.000 con bò cái lai Zebu và bê lai chất lượng cao để đưa vào quản lý giống. Năm 2020, thành phố tiếp tục giám định, bình tuyển và gắn chíp điện tử cho 3.000 bê lai chất lượng cao tại các xã Minh Châu, Tòng Bạt, Thụy An, Minh Quang, huyện Ba Vì; xã Tự Lập, huyện Mê Linh; xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm… Đáng chú ý, Hà Nội phối hợp Công ty CP T&T 159 tổ chức kết nối thu mua năm đợt bê lai Wagyu cho các hộ chăn nuôi các huyện: Ba Vì, Sóc Sơn, Mê Linh với giá bình quân 17 triệu đồng/con, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi.

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả, nhưng hiện nay, người chăn nuôi do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, cho nên thường không chăn nuôi bò đến khi giết thịt mà chủ yếu bán bê ngay sau khi sinh ra, dẫn tới hiệu quả kinh tế chưa cao. Bên cạnh đó, các hộ đa phần còn sử dụng thức ăn tận dụng, chưa áp dụng chăn nuôi theo hướng công nghệ cao trong chăn nuôi bò.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục công tác tuyên truyền phổ biến Luật Chăn nuôi, thực hiện nghiêm việc đăng ký chăn nuôi, khai báo chăn nuôi thống kê kịp thời biến động đàn gia súc để có kế hoạch điều chỉnh cơ cấu đàn vật nuôi cho phù hợp từng giai đoạn, hạn chế khủng hoảng rủi ro trong chăn nuôi.

Đồng thời, phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất con giống, ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị; xây dựng các cơ sở giống chất lượng cao, vùng sản xuất chăn nuôi an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm, tập trung cải tạo con giống theo hướng tăng năng suất, chất lượng. Tiếp nhận, nhập bổ sung một số giống mới, chất lượng cao, như: Giống bò BBB, Senepol, Angus, Wagyu,… cao sản có năng suất, chất lượng vượt trội được nhập từ các nước có nền chăn nuôi tiên tiến.

Bên cạnh đó, các huyện, thị xã cũng cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Đặc biệt, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội trong việc thực hiện các chương trình, dự án về phát triển chăn nuôi bò; đào tạo nguồn nhân lực để nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn cho dẫn tinh viên và cán bộ thú y cơ sở.

0906732376