Chat hỗ trợ
Chat ngay

   

Những nhà nông sáng tạo: Chăn nuôi kiểu ‘cho con này ăn con kia’

Anh-3-cuu-144414_61
Chia sẻ
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  

Đam mê ruồi lính đen

Với mô hình chăn nuôi khép kín từ ruồi lính đen đến ếch, cá, gà và rắn, anh Nguyễn Văn Mau ở xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh) là một trong những mô hình tiêu biểu vừa được nhận giải 3 cuộc thi sáng tạo KH-KT tỉnh Tây Ninh về lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

z3680407581096_a0e220c92e33e80a8df46580872745da

Mô hình nuôi ruồi lính đen của anh Nguyễn Văn Mau. Ảnh: Trần Trung.

Theo chân cán bộ Hội Nông dân xã Chà Là đến thăm trang trại của anh Mau, chúng tôi hết sức thán phục bởi một mình anh đã quán xuyến được khối lượng công việc khổng lồ từ mô hình “5 trong 1” của mình. Nhìn làn da rám nắng, mải miết cho các vật nuôi ăn, chúng tôi cảm nhận được sự đam mê làm nông nghiệp ở anh.

Đứng bên nhà màn chuyên dụng để nuôi ruồi lính đen, anh Mau cho biết, năm 2018, tình cờ xem trên mạng xã hội, anh biết đến mô hình nuôi ruồi lính đen để làm thức ăn chăn nuôi. Tìm tòi, suy nghĩ, nghiên cứu kỹ, lại nhận thấy có đủ nguồn lực (đất rộng, khí hậu phù hợp…), anh quyết tâm nuôi ruồi để làm thức ăn cho gà, cá, ếch và rắn. “Thay vì cho các vật nuôi ăn cám công nghiệp, tôi nuôi ruồi để lấy thức ăn cho chúng, phát triển theo hướng chăn nuôi hữu cơ, bền vững”, anh Mau cho biết.

z3680407685572_2709190c176f9b56e7e15293e4b1b0d9

Anh Nguyễn Văn Mau tận dụng các phế phụ phẩm trong nông nghiệp để nuôi ruồi. Ảnh: Hồng Thủy.

Theo anh Mau, thời điểm ấy, hầu như cả tỉnh Tây Ninh chưa ai nuôi thành công ruồi lính đen, nghe chuyện anh chuẩn bị nuôi ruồi, ai nấy đều xua tay ngăn cản, họ nghĩ anh bị “khùng”. Là người hay mày mò, sáng tạo, thích làm những việc chưa ai làm, gạt đi những hoài nghi, sau khi tích lũy đủ kiến thức, anh bắt tay vào thực hiện ngay mô hình. Tuy nhiên, do quá nóng vội, lần nuôi đầu tiên đã thất bại bởi khí hậu Tây Ninh khá nóng vào mùa hè và lạnh vào mùa đông, toàn bộ 2 lạng trứng ruồi với giá 6 triệu đồng đều “bốc hơi”.

z3680407565559_aaf15b205e89f8b230c723516a74192d

Sáng kiến dùng những thanh gỗ mỏng tạo ổ cho ruồi đẻ trứng là giải pháp đem lại hiệu quả cao. Ảnh: Trần Trung.

Không bỏ cuộc, rút kinh nghiệm lần đầu, sau khi chuẩn bị chuồng trại đàng hoàng, anh tìm đến Đồng Nai tham quan, học tập kinh nghiệm nuôi ruồi. Trong 1 tuần, anh học các kỹ thuật chăm sóc, phòng trị bệnh, cách ủ, ấp trứng… Có thêm những kiến thức cơ bản và kinh nghiệm từ thực tế, anh tiếp tục mua 2 lạng trứng ruồi đem về ấp.

z3680407573509_3bc3f6b1955e8b64125a1e7a54b0453a

Trứng ruồi lấp đầy các khoảng trống giữa các thanh gỗ. Ảnh: Hồng Thủy.

Anh Mau cho biết, chuồng nuôi ruồi lính đen cần thiết kế tương đối thoáng mát nhưng vẫn bảo đảm đủ độ ẩm để ruồi lính đen sinh trưởng và phát triển tốt. Theo đó, chuồng nuôi được chia thành nhiều ô riêng để ấp trứng ruồi, nuôi ấu trùng và nhộng. Ruồi trưởng thành sẽ được nuôi riêng trong một góc vườn, bao kín bằng lưới. Đặc biệt, tại đây có bố trí những thanh gỗ mỏng buộc với nhau bằng đai thép, ở giữa các thanh gỗ chèn vào một cây đinh tạo khe hỡ cho ruồi đẻ trứng vì loài này hay đẻ trong khe hở nên làm vậy để giống với tập quán tự nhiên, đây cũng là giải pháp tự anh mày mò nghiên cứu, đem lại hiệu quả cao.

z3680407683623_3514c0852fcd380d8e6c6c1ab1293827

Sản lượng ấu trùng chất lượng được tạo ra từ sáng kiến của anh Mau. Ảnh: Trần Trung.

“Ròng rã mấy tháng trời, mỗi lần làm tôi lại rút kinh nghiệm dần. Lần nuôi sau tốt hơn lần nuôi trước, cứ thế, thay vì mua trứng như ban đầu, tôi đã tự ủ trứng và gây giống thành công. Ruồi lính đen có đặc điểm không có vòi, không chích hút vào hoa quả và không bám vào thức ăn như các loại ruồi khác nên khá an toàn và bảo vệ môi trường vì có tốc độ xử lý rác thải hữu cơ cao, không phát sinh nước thải hay mùi hôi, giảm thiểu các mầm bệnh. Nó còn là nguồn thức ăn giàu chất dinh dưỡng cho gà, vịt, chim, cá, rắn mối…, giúp vật nuôi khoẻ mạnh và tăng trưởng nhanh”, anh Mau chia sẻ.

Tận dụng tối đa phụ phẩm nông nghiệp

Ghé sang khu vực nuôi rắn ri voi, nhìn những chú rắn săn chắc, uốn éo trong bể nổi lót bạt, nâng niu chú rắn ri voi nặng hơn 1kg trên tay, anh Mau tự hào cho biết, rắn ri là sản phẩm đầu cuối và cũng là sản phẩm có giá trị nhất bởi thịt thơm ngon, có giá trị dinh dưỡng cao, nhờ chăn nuôi theo đảm bảo vệ sinh, chất lượng nên sản phẩm của anh được thị trường ưa chuộng.

z3680407921157_3c3c32dc4e8835e6d7be1a33d141930c

Những chú rắn ti voi được anh Nguyễn Văn Mau nuôi trong bể nổi. Ảnh: Hồng Thủy.

Bài liên quan

“Hiện tại, rắn ri voi giống có giá 3 triệu đồng/cặp. Còn rắn thịt có giá từ 800.000 đến 1.000.000 đồng/kg… Với đàn rắn thương phẩm trên 100 con, đang đem lại thu nhập gia đình tôi hàng trăm triệu đồng/năm, chưa kể rắn giống và các sản phẩm khác như gà, cá, ếch”, anh Mau nở nụ cười mãn nguyện.

Theo anh Mau, để giảm chi phí sản xuất, thay vì phải mua thức ăn từ bên ngoài, vừa tốn kém lại dễ rủi ro do không xác định được nguồn gốc xuất xứ, anh đã tự tạo nguồn thức ăn cho rắn. Theo đó, đứng đầu trong chuỗi sản xuất là ruồi lính đen, từ ấu trùng ruồi lính đen là thức ăn giàu dinh dưỡng để nuôi gà và cá trê, ếch.

Một phần cá trê, ếch và gà không đạt theo yêu cầu thương phẩm được dùng làm thức ăn yêu thích của rắn. Cứ như vậy, chỉ đầu tư một lần về giống ban đầu, suốt quá trình chăn nuôi, hầu như anh không phải bỏ thêm bất cứ chi phí nào.

z3680407971566_800f3808f17ca17dda31bba64e8c1a03

Rắn thịt có giá từ 800.000 đến 1.000.000 đồng/kg, đem lại thu nhập cho anh Mau hàng trăm triệu đồng/năm. Ảnh: Trần Trung.

Rắn ri voi là loài dễ nuôi, nhẹ công chăm sóc, kháng bệnh tốt, sinh sản nhanh. Nguồn thức ăn chủ yếu là cá trê, ếch hay các loại cá tạp. Nếu chăm sóc rắn tốt, đúng kỹ thuật, đảm bảo nguồn thức ăn, sau 1 năm, rắn có thể đạt trọng lượng từ 1 – 1,5kg/con.

“Bản chất nghề nông là nghề vất vả và hiệu quả kinh tế không cao. Tuy nhiên, nếu tận dụng được các phế phụ phẩm trong nông nghiệp và chịu khó lấy công làm lời thì vẫn có thể làm giàu được. Mặc dù phải quán xuyến hết tất cả công việc, nhưng nhìn những vật nuôi của mình sinh trưởng phát khỏe mạnh là hạnh phúc rồi”, anh Mau bộc bạch.

Bí quyết thành công

Nói về bí quyết thành công của mình, anh Mau chia sẻ thêm, bất cứ cây trồng vật nuôi gì, bên cạnh sự cần mẫn, ăn cùng, ngủ cùng thì quan trọng nhất phải nắm vững kỹ thuật canh tác. Có cực khổ, có mày mò nghiên cứu để áp dụng cái mới mới có thành công. May mắn hiện nay mạng xã hội phát triển, chỉ cần có điện thoại thông minh trong tay là có thể học hỏi được kinh nghiệm sản xuất từ các mô hình tương tự, thậm chí là chuyên gia trên không gian mạng, từ đó chọn lọc những giải pháp phù hợp để thử nghiệm, cải tiến, ứng dụng.

z3680407574015_f881c6d51ae8147f569f9ac1e7219ede

Cá trê lớn nhanh như thổi nhờ ăn ấu trùng ruồi lính đen. Ảnh: Hồng Thủy.

Chỉ với 2.000m2 đất, để chăn nuôi hiệu quả, anh chủ yếu nuôi trong bể nổi lót bạt. Do đó, chỉ cần diện tích nhỏ quanh nhà anh đã có thể triển khai mô hình. Ngoài yếu tố thuận tiện trong khâu quản lý, cho ăn, chăm sóc, kiểm soát dịch bệnh, việc nuôi trong các ao bạt còn đem lại năng suất cao hơn 20% so với ao nuôi thông thường.

Đặc biệt, với hình thức nuôi thâm canh nên hàng ngày gia đình anh đều có sản phẩm cung ứng ra thị trường. Tất cả vật nuôi của gia đình anh đều được nuôi theo hình thức gối đầu. Đối với cá, anh chọn cá trê để nuôi vì loại cá này ăn tạp, thích nghi trong mọi điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Cá này là thức ăn khoái khẩu của rắn ri voi, phần còn lại bán ra thị trường.

Chỉ sau 3 tháng nuôi, cá trê có thể cho thu hoạch với giá bán bình quân khoảng 35.000đ/kg. Tương tự đối với ếch, chỉ trong vòng 4 tháng, ếch đã cho thu hoạch với giá ổn định 45.000 đồng/kg. Đối với gà, anh chọn nuôi gà thả vườn, mất hơn 9 tháng là đã có gà thương phẩm với giá 60.000 đồng/kg.

DSCN3422

Gà thả vườn cũng bán được giá nhờ được nuôi dưỡng bằng ấu trùng ruồi lính đen. Ảnh: Trần Trung.

“Cá, ếch, gà tôi cung cấp trực tiếp cho các chợ truyền thống tại địa phương và khu công nghiệp Chà Là, riêng mặt hàng rắn, tôi cung cấp cho các nhà hàng và quán ăn lớn tại TP.HCM. Do sản xuất khép kín, tất cả sản phẩm đều theo hướng thuận tự nhiên nên được người tiêu dùng đón nhận, đầu ra rất ổn định”, anh Mau nói.

Theo Hội Nông dân huyện Dương Minh Châu, thời gian gần đây, ở Tây Ninh đã xuất hiện các cơ sở nuôi ruồi lính đen tạo ấu trùng để cung cấp cho những cơ sở nuôi thủy sản, gia cầm ở địa phương và miền Tây. Các mô hình này đã và đang mang đến thu nhập cao cho người chăn nuôi.

z3680407557597_89a67a2dbb34de3e2dc5ac47e5b2392f

Chỉ cần 2.000m2, anh Mau đã xây dựng được mô hình tuần hoàn khép kín hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Trần Trung.

Mô hình nuôi thủy sản bằng ấu trùng ruồi lính đen do gia đình anh Mau tự nhân giống là mô hình đầu tiên ở Tây Ninh. Điểm mới của mô hình là không chỉ nhân giống thành công ấu trùng ruồi lính đen ở môi trường địa phương mà còn dùng chính ấu trùng ấy để nuôi thủy sản, gia cầm, tạo thành chuỗi sản xuất trong chăn nuôi, vừa đạt hiệu quả kinh tế cao, vừa xử lý rác thải (phế phẩm thủy sản, gia cầm) bằng ấu trùng ruồi lính đen.

“Mô hình nuôi ấu trùng ruồi lính đen để phát triển chăn nuôi thủy sản, gia cầm là mô hình rất dễ thực hiện, chuyển giao, chỉ cần có vốn và đất đủ rộng để triển khai mô hình. Thời gian qua, anh Mau cũng đã tích cực hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho nhiều hộ nông dân ở Tân Châu, Châu Thành, Dương Minh Châu… Hội Nông dân địa phương đang nhân rộng mô hình cho các hộ dân có nhu cầu để thực hiện theo định hướng chuyển đổi mô hình vật nuôi có hiệu quả kinh tế thấp sang mô hình chăn nuôi hiệu quả kinh tế cao của tỉnh”, ông Trương Hữu Đức, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Dương Minh Châu đánh giá.

  • Thiết bị trang trại Nuôi bò.vn
  • Điện thoại: 090.673.2376
  • Gmail: nuoibo.vn@gmail.com
  • Địa chỉ văn phòng: số 23, đường Tân Xuân 6, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, TP.HCM
0906732376