Chat hỗ trợ
Chat ngay

   

Thú y quyết định sự phát triển của ngành nông nghiệp

1
Chia sẻ
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
Hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2022 ngày 11/2. Ảnh: Phạm Hiếu.
Hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2022 ngày 11/2. Ảnh: Phạm Hiếu.

Nhiều hệ lụy từ việc thiếu hụt lực lượng thú y cơ sở

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, hiện nay, công tác thú y tại cơ sở đang gặp bất cập lớn trong việc thiếu hụt nguồn nhân lực, một số tỉnh thành đã chuyển chi cục thú y và trạm thú y thành các trung tâm dịch vụ nông nghiệp.

Đây là một mô hình mới nhưng lại không có cán bộ chuyên môn thú y. Các trung tâm dịch vụ phải có kinh phí mới có thể hoạt động.

“Nếu không có kinh phí, sẽ không có người kiểm soát dịch bệnh, không có người phun thuốc phòng bệnh, không có người tiêm vacxin, không thể kiểm soát dịch bệnh và xây dựng vùng an toàn dịch bệnh để xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi, thủy sản ra thị trường quốc tế”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu vấn đề.

Bên cạnh đó, khi thành lập trung tâm dịch vụ nông nghiệp, khoảng 6.200 cán bộ thú y gần như không có việc làm, qua đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc phòng chống dịch bệnh.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến trong lần kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh gia súc tại Sơn La. Ảnh: Phạm Hiếu
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến trong lần kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh gia súc tại Sơn La. Ảnh: Phạm Hiếu

Dẫn chứng tầm quan trọng của công tác thú y trong phòng chống dịch bệnh, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhắc lại thời điểm năm 2003, 2004, Việt Nam đã phải tiêu hủy gần 50 triệu con gia cầm, cúm gia cầm đã làm 46 người chết, gây thiệt hại 0,5% GDP. Hay như khi dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) bùng phát đã làm chết hơn 6 triệu con lợn, thiệt hại đến 30.000 tỷ đồng. Việc mất 10% sản lượng thịt lợn đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế vĩ mô, đó là chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Đầu năm 2020, CPI ở mức 6,73%, cao nhất trong nhiều năm.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phân tích hiện nay, chăn nuôi chiếm 25,2% và thủy sản chiếm 26,2% trong tổng giá trị ngành nông nghiệp. 2 lĩnh vực này chiếm 51,4%. Nếu không thể giữ được vai trò của ngành thú y, 2 lĩnh vực thủy sản và chăn nuôi sẽ rất khó phát triển, qua đó ảnh hưởng trực tiếp tới chỉ tiêu mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao cho ngành nông nghiệp. Cụ thể đó là tăng trưởng 2,5 – 2,8%/năm và xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 50 tỷ USD trong năm 2022.

“Vai trò của ngành thú y, cơ quan thú y, hệ thống tổ chức thú y sẽ quyết định sự phát triển của chăn nuôi, thủy sản nói riêng và của ngành nông nghiệp nói chung”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

 

Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, với Quyết định số 414/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021 – 2030, các địa phương đã và đang triển khai hoàn thiện hệ thống thú y. Tới đây, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ và các bộ ngành tiếp tục chỉ đạo các tỉnh thành thực hiện nghiêm Quyết định 414 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 34 của Ban bí thư, Nghị quyết 100, Nghị quyết 134 của Quốc hội và báo cáo của Đảng đoàn Quốc hội gửi Bộ Chính trị, Ban bí thư về việc hoàn thiện hệ thống thú y các cấp theo đúng Luật Thú y.
Năm 2021, công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng. Ảnh: Phạm Hiếu.
Năm 2021, công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng. Ảnh: Phạm Hiếu.

“Luật Thú y đã nêu rõ hệ thống tổ chức bộ máy thú y từ Trung ương đến địa phương. Trung ương có Cục Thú y, tỉnh có các chi cục thú y, huyện có trạm thú y và xã có nhân viên thú y. Thú y quyết định công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn và thủy sản. Ngoài ra còn giữ vai trò trong việc kiểm dịch và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ cho cả thị trường trong nước và xuất khẩu”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Vacxin là giải pháp hữu hiệu, đột phá

Theo báo cáo của Cục Thú y, trong năm 2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT, UBND các tỉnh, thành phố đã chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19.

 

Theo đó, đã cơ bản kiểm soát tốt các loại dịch bệnh động vật trên cạn, tạo thuận lợi cho chăn nuôi phát triển với tổng đàn hơn 515 triệu con gia cầm (tăng 5,8%), 28 triệu con lợn (tăng 7,1%), đàn bò 6,5 triệu con (bò sữa đạt 375,2 nghìn con, tăng 13,2%), đàn trâu giảm 2,4%; tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt khoảng 6,7 triệu tấn, sản lượng trứng gia cầm đạt 17,5 tỷ quả.
Năm 2021, mặc dù trong bối cảnh khó khăn chung từ ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản vẫn tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, đặc biệt diện tích nuôi trồng thủy sản bị dịch bệnh (khoảng 5.608 ha) giảm 33% so với cùng kỳ năm 2020.
Việc kiểm soát tốt các loại dịch bệnh động vật trên cạn đã tạo thuận lợi cho chăn nuôi phát triển. Ảnh: TL.
Việc kiểm soát tốt các loại dịch bệnh động vật trên cạn đã tạo thuận lợi cho chăn nuôi phát triển. Ảnh: TL.

Về cơ bản, các bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi tiếp tục được kiểm soát, đặc biệt không để các bệnh nguy hiểm, bệnh mới nổi xâm nhập vào trong nước. 

Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại (bao gồm cả 5.608 ha do dịch bệnh) là hơn 21.190 ha, giảm 54,2% so với cùng kỳ năm 2020. Ngoài ra có khoảng 1.370 lồng, bè, vèo, bể nuôi thủy sản cũng bị thiệt hại. Nguyên nhân thiệt hại chủ yếu là do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và bị mắc một số loại bệnh thông thường.

“Những năm tới, để đạt được những mục tiêu của ngành nông nghiệp, đặc biệt là mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 50 tỷ USD, trong bối cảnh 2 ngành chăn nuôi và thủy sản còn nhiều dư địa, cần phải nhìn nhận vai trò quan trọng của hệ thống thú y cơ sở và công tác phòng chống dịch bệnh không chỉ trên vật nuôi, thủy sản mà còn phòng chống dịch bệnh lây lan trên người.

Thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ chỉ đạo Cục Thú y tổ chức các hội nghị chuyên đề về phòng chống dịch bệnh tại những vùng trọng điểm trong sản xuất nông nghiệp như khu vực ĐBSCL”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến thông tin.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định, cho đến nay, hệ thống thú y hoạt động có hiệu quả nhưng dịch bệnh cũng đã gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng.

Do vậy, để khắc phục hậu quả do dịch bệnh gây ra, ngành nông nghiệp cần giải quyết nhiều vấn đề. Đầu tiên, phải thực hiện Quyết định số 414/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT đã trình Thủ tướng phê duyệt 4 đề án: Kiểm soát dịch bệnh, chuyển đổi số, giám sát an toàn thực phẩm, quản trị vacxin và thuốc thú y.

Thứ hai, cần đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vacxin. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, bên cạnh các chế phẩm sinh học, vacxin là giải pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất.

 

“DTLCP đã xảy ra hơn 100 năm, cả thế giới chưa có vacxin. Nhưng tới đây, Bộ NN-PTNT sẽ công bố vacxin DTLCP, vacxin viêm da nổi cục, vacxin cúm gia cầm các loại, vacxin trên thủy sản. Đó là các giải pháp mang tính đột phá”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho hay.
Bên cạnh các chế phẩm sinh học, vacxin là giải pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất. Ảnh: Phạm Hiếu.
Bên cạnh các chế phẩm sinh học, vacxin là giải pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thứ ba, cần giải quyết việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh để đảm bảo những tiêu chí của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE). Chúng ta đã có các cơ sở an toàn dịch bệnh nhưng chưa thực sự vững chắc, kể cả trong thủy sản cũng như chăn nuôi.

Thứ tư là xây dựng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học đến mức an ninh sinh học để có thể ngăn chặn dịch bệnh.

Thứ năm là yếu tố môi trường cũng hết sức quan trọng. Mỗi năm có khoảng 65 triệu tấn chất thải từ ngành chăn nuôi, chưa kể mỗi 1 kg tôm thải ra 400 – 500 gram bùn thải.

“Do đó vấn đề này cần phải được giải quyết một cách triệt để mới có thể xây dựng chuỗi sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái và đảm bảo vừa phát triển vừa có tình bền vững, nâng cao giá trị gia tăng đúng như tinh thần Quyết định 899 của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu ngành nông nghiệp”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, hiện nay, có 3 doanh nghiệp đang tập trung nghiên cứu vacxin DTLCP là Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung Ương NAVETCO, Công ty Cổ phần Tập Đoàn RTD và Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam.

“Đến thời điểm hiện tại, công tác khảo nghiệm đã hoàn thành. Hội đồng đánh giá của Cục Thú y đã họp và lãnh đạo Bộ cũng đã trực tiếp lắng nghe và chỉ đạo. Khoảng cuối quý I, đầu quý II tới đây sẽ có thể công bố vacxin DTLCP. Qua nhiều lần nghiên cứu thử nghiệm với các phương pháp hiện đại và chỉ tiêu theo dõi tỉ mỉ, phù hợp với khu vực quốc tế, chúng ta có thể tin tưởng độ bảo hộ, độ dài miễn dịch, hiệu quả khi tiêm vacxin sẽ rất cao”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.

 

Thiết bị trang trại Nuôi bò.vn

Địa chỉ kho: số 23, đường Tân Xuân 6, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, TP.HCM

Hotline: 090.6732.376

Gmail: nuoibo.vn@gmail.com

Website: http://nuoibo.vn

Fanpage: https://www.facebook.com/nuoibo.vn

0906732376