Mục lục
Quảng Ngãi có nhiều lợi thế về chăn nuôi bò, nhưng yếu nhất hiện nay là thiếu chủ động nguồn thức ăn, nhất là mùa đông; khâu giết mổ vẫn còn nhiều hạn chế.
Tăng nhanh tỷ lệ bò lai
Chăn nuôi bò tỉnh Quảng Ngãi những năm qua đã đạt được kết quả tương đối tốt cả về quy mô tổng đàn, sản lượng thịt hơi xuất chuồng và tỷ lệ bò lai (bò lai chiếm 73%). Giai đoạn 2015 – 2020, mặc dù quy mô đàn có sự biến động, song sản lượng thịt hơi xuất chuồng vẫn duy trì ổn định. Điều này cho thấy, chăn nuôi đã hướng đến nâng cao trọng lượng, chất lượng.
Chăn nuôi bò ở Quảng Ngãi chủ yếu tập trung ở vùng đồng bằng (chiếm 81% tổng đàn). Hiện nay, phần lớn các nông hộ ở vùng đồng bằng áp dụng phương thức nuôi thâm canh và bán thâm canh cho cả nuôi bò cái sinh sản và bò thịt. Bò được nuôi bán chăn thả hoặc nuôi nhốt, dùng thức ăn cỏ trồng, phụ phế phẩm nông nghiệp và thức ăn tinh bổ sung. Các huyện có nhiều hộ nuôi thâm canh và tỷ lệ bò lai cao (đạt trên 80% tổng đàn) gồm: Đức Phổ, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Mộ Đức, TP. Quảng Ngãi và Sơn Tịnh.
Những năm gần đây, đàn bò lai chuyên thịt (giống Charolais, Red Angus, Drought Master và BBB) ở vùng đồng bằng phát triển nhanh, không những góp phần gia tăng sản lượng thịt hơi xuất chuồng, mà còn mang lại thu nhập cao cho các nông hộ chăn nuôi.
Chăn nuôi bò được Quảng Ngãi quan tâm, tập trung nhiều nguồn lực đầu tư, thực hiện đồng bộ từ công tác lai tạo giống, phát triển nguồn thức ăn xanh, phòng chống dịch bệnh, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân, đào tạo dẫn tinh viên, cung cấp trang thiết bị… nên đã có những bước phát triển đáng kể. Đàn bò lai của tỉnh phát triển khá nhanh, bò thịt là một trong những thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa của tỉnh.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, một số chương trình, dự án ứng dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi bò đã được triển khai, qua đó tạo điều kiện đẩy mạnh công tác lai tạo các giống bò chuyên thịt, phát triển các giống cỏ năng suất cao, từng bước nâng cao trình độ chăn nuôi của người dân, từ đó đã tạo chuyển biến lớn trong ngành chăn nuôi bò.
Theo đó, tỉ lệ bò lai các giống chuyên thịt tăng nhanh, chăn nuôi dần chuyển dịch theo hướng tập trung, phương thức nuôi bán thâm canh và thâm canh dần được áp dụng. Nhiều trang trại và nông hộ có thu nhập cao từ nuôi bò, ở nhiều địa phương nuôi bò là nguồn thu nhập chính của nông hộ, các máy công cụ nhỏ được sử dụng để phục vụ chăn nuôi.
Những năm gần đây, chăn nuôi bò quy mô trang trại và gia trại đã từng bước phát triển, cùng với việc sử dụng con giống tốt, áp dụng kỹ thuật nuôi thâm canh, nhiều trang trại đầu tư bài bản theo hướng công nghiệp, đảm bảo khoảng cách với khu dân cư, khả năng mở rộng quy mô đàn là rất lớn, tạo điều kiện trong công tác quản lý, kiểm soát dịch bệnh, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới
“Bí” nhất nguồn thức ăn thô xanh
Chăn nuôi bò thịt quy mô nông hộ là hoạt động chăn nuôi phổ biến ở Quảng Ngãi, bò thịt được các nông hộ chăn nuôi và cung ứng ra thị trường thông qua tác nhân trung gian gồm thương lái thu mua địa phương và các chủ lò mổ địa phương, trong đó 82% số lượng bò của nông dân bán cho thương lái địa phương và 18% bán cho các chủ lò mổ địa phương.
Bò thịt nuôi trong nông hộ tại Quảng Ngãi được tiệu thụ trong tỉnh chiếm 61% và 39% được tiêu thụ ở các lò mổ ngoài tỉnh như Đà Nẵng, Nghệ An.
Thịt bò giết mổ và tiêu thụ tại tỉnh Quảng Ngãi chủ yếu là các loại bò lai chiếm đến 94,7% tổng lượng thịt tiêu thụ trong tỉnh, trong đó đa số là bò lai BBB, Brahman và Charolais. Chuỗi cung ứng thịt bò ở Quảng Ngãi có 3 kênh tiêu thụ chính với cơ cấu thị trường tiêu thụ thịt bò gồm 32% được bán lẻ cho người tiêu dùng tại các chợ địa phương, 51% được tiêu thụ bởi các quán ăn và nhà hàng trong tỉnh, 17% lượng thịt bò được chế biến thành thịt bò khô.
Năng lực tiếp cận thông tin thị trường của hộ chăn nuôi hạn chế, liên kết trong chăn nuôi và tiêu thụ hạn chế, việc tiêu thụ bò phải thông qua nhiều trung gian nên đã làm giảm lợi nhuận của nông dân chăn nuôi bò.
Bên cạnh những bước tiến nhanh theo hướng sản xuất hàng hóa, chăn nuôi bò tại Quảng Ngãi vẫn còn những hạn chế như: Chưa kiểm soát được dịch bệnh, hiệu quả sử dụng thức ăn thấp, giá thành sản phẩm cao, tình trạng thiếu hụt thức ăn vẫn xảy ra phổ biến vào mùa mưa…
Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, nguồn thức ăn cho chăn nuôi chưa được chủ động (diện tích đồng cỏ chưa đáp ứng nhu cầu, phụ phẩm nông nghiệp có tính thời vụ), thức ăn công nghiệp có giá bán cao do phải nhập từ ngoài tỉnh, các phụ phẩm công nghiệp có sản lượng lớn song chưa sử dụng hiệu quả.
Để chăn nuôi bò thịt Quảng Ngãi phát triển bền vững, cần chủ động đảm bảo nguồn thức ăn cho bò, sử dụng hiệu quả nguồn phụ phẩm công nông nghiệp, phát triển cây nguyên liệu làm thức ăn, giảm giá thành chăn nuôi.
Ý thức của người dân về phòng chống dịch và tuân thủ pháp lệnh thú y còn thấp, tình trạng giết mổ gia súc không qua kiểm soát vẫn thường diễn ra, đặc biệt là những nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi.
Hệ thống giết mổ gia súc tập trung còn quá ít, cơ sở chế biến súc sản, công nghiệp hầu như chưa có. Sản phẩm tiêu thụ tại chỗ chủ yếu thông qua giết mổ thủ công, sản phẩm xuất đi ra ngoài tỉnh chủ yếu dưới dạng thú sống nên tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh và giá trị bán thương phẩm không cao.
Giá bán sản phẩm chăn nuôi thường không ổn định, diễn biến phức tạp theo chiều hướng bất lợi cho người chăn nuôi. Việc tiếp cận thị trường và liên kết trong chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm của người chăn nuôi còn hạn chế…
Nguồn: Báo Nông Nghiệp