Mỗi năm, anh Dương Xuân Trường (xã Dương Thành, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) thu lời khoảng nửa tỷ đồng từ nuôi ngựa bạch. Không chỉ gia đình anh, nhiều gia đình khác ở đây cũng ăn nên làm ra, xây nhà cửa khang trang, vươn lên làm giàu từ nuôi ngựa bạch.
Gia đình anh Dương Xuân Trường (xóm Phẩm, xã Dương Thành, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) là một trong những hộ chăn nuôi ngựa với số lượng lớn ở địa phương.
Anh Trường cho biết, gia đình anh bắt đầu chăn nuôi ngựa từ những năm 1980, khi đó chủ yếu là nuôi ngựa đỏ và đen. Đến năm 1993, gia đình anh mới biết đến ngựa bạch và chính thức chăn nuôi ngựa bạch từ năm 1997.
Với mong muốn khẳng định thương hiệu và uy tín của sản phẩm trên thị trường, năm 2011, anh Trường đã thành lập HTX Ngựa bạch xóm Phẩm với 24 thành viên.
Đến nay, số thành viên của HTX đã tăng lên số lượng 54 thành viên.
Hiện nay, giống ngựa bạch chủ yếu được anh Trường nhập về từ Cao Bằng và một số tỉnh lân cận.
Khi lựa chọn con giống, nên chọn ngựa từ 4 tháng tuổi trở lên, trọng lượng đạt khoảng 120kg hơi. Như vậy sẽ đảm bảo việc sinh trưởng và phát triển tốt nhất của ngựa.
Chăn nuôi ngựa bạch tương đối dễ. Tuy nhiên, ngựa dễ bị ho khi chuyển vùng, thay đổi môi trường sống đột ngột. Do đó cần tiêm phòng chống nhiễm khuẩn thì ngựa sẽ không bị bệnh.
Nguồn thức ăn chính của ngựa bạch là cỏ. Trung bình mỗi ngày, 1 con ngựa bạch trưởng thành sẽ ăn khoảng 30kg cỏ tươi.
Ngoài ra, anh Trường còn bổ sung thêm một số thức ăn tinh bột như cám ngô, thóc để đảm bảo đủ dinh dưỡng cho ngựa phát triển.
Thời điểm lựa chọn để vào ngựa tốt nhất là từ tháng 8 – 9 trong năm, khi thời tiết hết nóng, vì lúc đó ngựa sẽ phát triển nhanh hơn.